Dân tộc Tày là một cộng đồng tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái, có số dân đông nhất trong các dân tộc thiểu số ở nước ta. Dân tộc Tày còn có tên gọi khác là Thổ và bao gồm 4 nhóm địa phương là ngạn, Phén, Thu Lao và Pa Dí. Phần đông người Tày cư trú ven các thung lũng, triền núi thấp ở các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Quảng Ninh và một số vùng thuộc Bắc Giang...
Cư trú trên những cánh đồng màu mỡ ở các thung lũng, người Tày có một nền nông nghiệp cổ truyền khá phát triển. Họ sinh sống chủ yếu dựa vào nghề trồng lúa nước. Ngoài ra đồng bào còn chú trọng đến việc chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rau xanh, cây ăn quả và cây thuốc. Ngoài các nghề thủ công như dệt vải, nhuộm, đan lát với những sản phẩm phục vụ cho cuộc sống hàng ngày như mặt chăn, mặt địu..., bàn ghế bằng trúc, đan túi bằng sợi gai... làm đồ mỹ nghệ từ song, mây, giang, nứa, người Tày ở Lạng Sơn còn nổi tiếng về ép và chưng cất dầu hồi. Hiện nay tại một số vùng của người Tày còn phát triển nghề làm tranh từ đá quý.
Người Tày có nền văn nghệ cổ truyền với đủ các thể loại ca, thơ, múa nhạc... trong đó nổi bật nhất là nghệ thuật múa rối cạn mang màu sắc văn hóa riêng của dân tộc Tày. Đời sống văn hóa tinh thần của người Tày phong phú với điệu hát then, sli, lượn, những lễ hội cổ truyền, những trò chơi dân gian độc đáo thể hiện trong các lễ hội truyền thống của dân tộc mình. Có thể nói đó là những ngày lễ của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, gắn chặt với mùa vụ và mang đậm màu sắc tín ngưỡng dân gian.