Tây Bắc hùng vĩ là nơi cư trú của rất nhiều tộc người thiểu số ở Việt Nam, trong đó có người Phù Lá, một cộng đồng cư dân thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng - Miến.
Từ bao đời nay, người Phù Lá sống trên các miền núi. Mỗi bản thường chỉ có mươi gia đình. Là cư dân nông nghiệp lúa nước và lúa nương, người Phù Lá rất giỏi canh tác trên những thửa ruộng bậc thang quanh co. Đồng bào cũng rất chú trọng đến việc chăn nuôi gia súc, gia cầm để phát triển kinh tế gia đình và phục vụ việc vận chuyển, đi lại trên vùng núi rẻo cao. Nếu phụ nữ Phù Lá khéo léo trong việc dệt vải, thêu thùa, tự may trang phục cho gia đình thì nam giới lại giỏi đan lát mây, tre thành những đồ mỹ nghệ có nhiều hoa văn đẹp, tinh xảo phục vụ lao động và sinh hoạt ngày thường.
Người Phù Lá có kho tàng văn hóa dân gian rất phong phú với nhiều thể loại như thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, câu đố... ca ngợi tinh thần đoàn kết, chiến thắng thiên tai, bạo ngược. Nhiều truyện cổ tích của đồng bào rất gần với môtíp truyện cổ tích của người Việt (Kinh).
Cũng như nhiều dân tộc khác sinh sống trên mảnh đất Việt Nam, bên cạnh sự giao lưu, tiếp thu các yếu tố văn hóa của các dân tộc láng giềng, người Phù Lá vẫn lưu giữ được bản sắc văn hóa truyền thống của riêng mình. Hằng năm, vào các dịp lễ, tết hay cưới hỏi, đồng bào thường tổ chức ca hát, nhảy múa theo điệu txin chí bá độc đáo trong tiếng kèn, tiếng trống rộn ràng. Thanh niên nam nữ Phù Lá đặc biệt thích hát đối đáp giao duyên trong ngày hội. Tuy dân số ít, lại sinh sống khá phân tán, nhưng có thể nói, giữa các nhóm Phù Lá (Phù Lá Hoa, Phù Lá Hán, Bồ Khô Pạ) tương đối có sự thống nhất trong đời sống văn hóa văn nghệ.
Nằm trong bộ sách ảnh về 54 dân tộc Việt Nam, Nhà xuất bản Thông Tấn tiếp tục cho ra mắt bạn đọc cuốn sách ảnh "Người Phù Lá ở Việt Nam". Những bài viết ngắn gọn, cô đọng của các chuyên gia dân tộc học trong cuốn sách, những bức ảnh mà chúng tôi dày công sưu tầm từ rất nhiều nguồn khác nhau đã thể hiện khá chân thực, sinh động những nét đặc sắc về văn hóa tộc người của đồng bào Phù Lá.
Chúng tôi hy vọng cuốn sách sẽ là tư liệu bằng hình ảnh quý giá, phần nào đáp ứng nhu cầu của độc giả muốn nghiên cứu, tìm hiểu về người Phù Lá, một trong cộng đồng 54 dân tộc ở Việt Nam.
Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.
NHÀ XUẤT BẢN THÔNG TẤN