CỐNG HIẾN CỦA MỘT ỐNG KÍNH NGHỆ THUẬT
Có thể xem đây là công trình - tập - đại thành về máy ảnh của Đào Hoa Nữ.
Trong 386 trang sách người ta có thể nhận thấy đầy đủ bút pháp của Đào Hoa Nữ, từ những đối tượng yêu thích được chị chọn lựa, cho đến chất nội tâm xuyên suốt qua mọi tấm ảnh, đến những đề tài đặc trưng của mỗi địa phương mà chị đặt chân đến. Chỉ cần biết rằng số ảnh được in ra đã đến hơn 500 bức. Người ta phải thán phục về sức đi của chị: Chị đã đi như một nhà văn viết bút ký, 500 bức ảnh đủ triển khai thành bao nhiêu kilomet trên thực địa?... Xin cảm ơn sức lao động không mệt mỏi của Đào Hoa Nữ đã cho phép đôi mắt một người ngồi yên một chỗ có thể nhìn thấy một ngôi chùa cổ xưa nằm ẩn mình giữa rừng núi đại ngàn biên giới. Tôi muốn ca ngợi chị về mặt này. Sức "đi đến tận nơi" là một bản năng tính nghệ sĩ của Đào Hoa Nữ. Từ chợ nổi ở Cà Mau, Phụng Hiệp ở phía Nam, rẽ sang làng Việt cổ Đường Lâm, Ước Lễ ở đồng bằng Bắc Bộ, lên tận Đồng Văn, Mèo Vạc ở biên giới phía Bắc, sức đi nghề nghiệp của chị làm ta nghĩ đến Tư Mã Thiên người đời Hán đã cưỡi ngựa đi chu du ngang dọc khắp đất nước Trung Quốc, thu nhặt tài liệu để viết sử ký.
Không thể đi tất cả các vùng, nhưng Đào Hoa Nữ đã có mặt khắp mọi mảnh đất tiêu biểu của đất nước, nhất là Huế - Sài Gòn - Hà Nội. Đặc biệt là Huế, thành phố quê hương và của tuổi thơ Đào Hoa Nữ. Vâng, có cái gì đẹp bằng thế giới tuổi thơ của một người, ở đó có những cái đẹp đầu tiên được nhìn thấy, đồng thời được nhìn ngắm suốt một đời. Ảnh Huế của Đào Hoa Nữ tràn đầy những vẻ đẹp ngây thơ như của tranh làng Đông Hồ, và chỉ lần lượt tái hiện trong những lễ hội hàng năm của thành phố. Đấy là những cung điện nguy nga lộng lẫy của một thời, những mẫu thức tiêu biểu của một đội đại nhạc, và những tiến sĩ vinh quy dọc những làng mạc chất phác được xướng danh ở Ngọ Môn, hình ảnh những vị vua xuất giá, những thuyền rồng trên sông Hương và những đêm hoàng cung sang trọng của một vương triều. Các trang ảnh của Đào Hoa Nữ tuân thủ một chủ nghĩa hiện thực Mỹ hoặc Nga trong hội họa, khiến cho mọi vật mà chị muốn nhìn ngắm đều hiện ra trong một ánh sáng tự nhiên. Ở đây Đào Hoa Nữ không đuổi theo những trường phái nhiếp ảnh hiện đại, giống như trường phái xếp đặt hoặc trường phái lập thể...làm cho các sự vật biến tướng, khó để nhận diện trước mắt người ta. Tuy nhiên ở Đào Hoa Nữ chợt phảng phất một ánh sáng tâm linh rất lạ. Ấy là những nhà thờ, đền, chùa, những ngôi nhà rường cổ, những nhạc sĩ chơi đàn với những điệu nhạc cổ xưa, những cổng làng Việt cổ, sự phục dựng hay những di tích hoang phế. Ôi! Những di tích hôm nay qua ảnh Đào Hoa Nữ như còn kết đọng một thời gian hàng thế kỷ. Những hình ảnh cổ của những ngôi nhà rường Huế với những người phụ nữ mang trang phục của một thời cho ta thấy chút tiếc nuối ngẩn ngơ của một nền văn hóa đã từ nhiệm trước những thay đổi của lịch sử.
Chất liệu đá luôn là một điểm nhấn trong ý thức lựa chọn của Đào Hoa Nữ, như là cầu đá ở Hưng Yên, ngôi nhà bằng đá ở vùng núi phía Bắc, cổng nhà thờ Phát Diệm ở Ninh Bình. Những nhà điêu khắc sẽ nhận ra rằng chất liệu đá có một chiều sâu đặc biệt của nó; và Đào Hoa Nữ cũng đồng ý như vậy trong chất liệu của nhiếp ảnh nghệ thuật. Chị không tỏ ra vồ vập đối với chất liệu của những ngôi nhà hiện đại. Như đá vẫn ấp ủ một hơi thở lạnh và nhả ra thân nhiệt của nhiều thế kỷ đã qua khi con người đang kết nối sự hiện diện của mình với những yếu tố ngoại vi khác của vũ trụ. Nghe được tiếng nói của đá giữa lòng thời đại này đâu phải là dễ. Ở đây phải thừa nhận sự tinh ý của một tay máy nhiều năm tu luyện. Nhìn vẻ hiu quạnh của "Bến Nước Thanh Tiên" ta chợt ngẩn ngơ tự hỏi: "Bây giờ đi đâu về đâu?" (Hoàng Cầm), nơi mà ta từng gặp một tuổi thơ ham vui đang xúm xít nghịch nước, một tuổi trẻ đang kề vai trò chuyện, hay những dân làng chen chúc trên một khoang thuyền cổ, mang hoa giấy đến những phiên chợ Tết. Đào Hoa Nữ chắc là có một thời như thế nên bây giờ xem ảnh chị người ta thấy nhớ thương da diết. Ảnh nào của Đào Hoa Nữ cũng kéo theo đằng sau nó những kỷ niệm về một thời gian đã mất, những kỷ niệm luôn làm ta xao xuyến cõi lòng và không còn quá sớm để xếp Đào Hoa Nữ vào những tâm hồn hoài cổ.
Có thể nói bản chất ảnh mỹ thuật của Đào Hoa Nữ thể hiện ở tính đất nước, tính tiêu biểu, tính tâm linh và tính tồn tại lâu dài trong thời gian. Nghĩa là nghệ thuật nhiếp ảnh của Đào Hoa Nữ gắn liền với ý thức văn hóa.