Tác giả: PGS, TS. Trần Minh Trưởng
Số trang: 212
Ngay sau khi giành được chính quyền, trên cương vị là lãnh tụ cao nhất của Đảng và Nhà nước, Hồ Chí Minh vừa là người chỉ đạo xây dựng đường lối đối ngoại của Đảng, hoạch định các chính sách ngoại giao của Nhà nước, từng bước kiến tạo và mở rộng mối quan hệ quốc tế, tăng cường thế và lực của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người đã đưa ra những quan điểm và nguyên tắc ứng xử trong quan hệ quốc tế nhằm khẳng định chủ quyền quốc gia, quyền bình đẳng giữa các dân tộc, theo nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi trong quan hệ giữa các quốc gia trên thế giới. Những quan điểm, nguyên tắc ứng xử trong quan hệ quốc tế của Hồ Chí Minh đã được vận dụng trong thực tiễn cách mạng Việt Nam và đưa đến thắng lợi trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng đất nước; đồng thời trở thành cơ sở nền tảng trong quan hệ đối ngoại, góp phần cùng với nhiều quốc gia yêu chuộng hòa bình, tiến bộ trên thế giới xây dựng nên "Năm nguyên tắc chung sống hòa bình", được thể hiện trong Tuyên bố Băng Đung (năm 1955 tại Inđônêxia) của Phong trào không liên kết.
Ngày nay, khi thế giới bước vào kỷ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập, các quốc gia trên thế giới ngày càng phải hợp tác chặt chẽ với nhau để cùng phát triển. Nhìn trên góc độ đó, những quan điểm, nguyên tắc ứng xử trong quan hệ quốc tế của Hồ Chí Minh càng thể hiện tính đúng đắn và bền vững. Có thể nói, giá trị tư tưởng của Người đã và đang trở thành xu thế vận động trong quan hệ quốc tế của thời đại ngày nay, đó là: Hòa bình, hội nhập, cùng phát triển.
Mặc dù tình hình thế giới có những biến đổi phức tạp, khó lường, biểu hiện trên nhiều lĩnh vực: chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, dân tộc, tôn giáo,... nhưng những vấn đề cơ bản trong quan hệ quốc tế, như chủ quyền lãnh thổ, biên giới, biển đảo, nhất là vấn đề giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp quyền lợi giữa các quốc gia, dân tộc, vẫn phải tuân thủ theo đúng những quan điểm và nguyên tắc ứng xử quốc tế mà Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn. Đó là bằng con đường đàm phán hòa bình, không được dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực. Bởi xét cho cùng, dùng vũ lực, tiến hành chiến tranh sẽ không giải quyết được tận gốc mâu thuẫn giữa các quốc gia, dân tộc.
Để có cơ sở lý luận vững chắc, dựa trên "lẽ phải", theo những nguyên tắc cơ bản của luật pháp và thông lệ quốc tế, phục vụ cho công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và ngoại giao nhân dân, phải có sự nghiên cứu thấu đáo tư tưởng Hồ Chí Minh, nhất là những quan điểm, nguyên tắc ứng xử trong quan hệ quốc tế, để vận dụng vào thực tiễn, nhằm mở rộng quan hệ, hợp tác giữa các quốc gia, dân tộc, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, bảo vệ môi trường quốc tế, vì hòa bình và tiến bộ của nhân loại.
Trên ý nghĩa đó, nghiên cứu những quan điểm, nguyên tắc ứng xử của Hồ Chí Minh về quan hệ quốc tế là vấn đề quan trọng, cấp bách hiện nay. Nhằm giúp bạn đọc có thêm tài liệu nghiên cứu về vấn đề này, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản cuốn sách Những quan điểm, nguyên tắc ứng xử trong quan hệ quốc tế của Hồ Chí Minh và sự vận dụng của Đảng trong tình hình mới do PGS. TS. Trần Minh Trưởng biên soạn.
Mặc dù tác giả đã rất cố gắng, song đây là vấn đề phức tạp, có nhiều quan điểm còn tranh luận, vì vậy cuốn sách sẽ khó tránh khỏi khiếm khuyết. Mong nhận được những đóng góp của bạn đọc để cuốn sách được hoàn thiện hơn trong lần xuất bản sau.