Tác giả: TS. Phạm Trọng Nghĩa
Số trang: 308
Giá tiền: 37.000 đồng
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) là một cơ quan chuyên môn được thành lập sớm nhất của Liên hợp quốc vào năm 1919. Từ khi thành lập đến nay (tính đến tháng 6-2014), Tổ chức Lao động quốc tế đã thông qua 189 công ước và 203 khuyến nghị. Trong số 189 công ước trên, có 8 công ước được coi là các công ước cơ bản tập trung vào bốn lĩnh vực: tự do lập hội và thương lượng tập thể; xóa bỏ lao động cưỡng bức; xóa bỏ lao động trẻ em; chống phân biệt đối xử tại nơi làm việc. Các công ước và khuyến nghị của Tổ chức Lao động quốc tế được coi là nguồn cơ bản của pháp luật lao động quốc tế.
Sau khi thống nhất đất nước, năm 1982, Việt Nam rút khỏi Tổ chức Lao động quốc tế vì một số lý do kỹ thuật. Năm 1992, Việt Nam tái gia nhập Tổ chức Lao động quốc tế. Từ khi gia nhập Tổ chức Lao động quốc tế, Việt Nam đã phê chuẩn 21 trong tổng số 189 công ước của Tổ chức Lao động quốc tế, trong đó, có 5/8 Công ước cơ bản.
Cùng với việc ban hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 28-11-2013, giai đoạn 2012-2016 có thể được coi là “thời kỳ vàng” của công tác lập pháp về lĩnh vực lao động. Quốc hội đã thông qua Bộ luật lao động năm 2012 (thay thế Bộ luật lao động năm 1994, sửa đổi, bổ sung năm 2002, 2006, 2007) Luật việc làm năm 2013. Theo Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của toàn khóa XIII, Quốc hội sẽ ban hành mới Luật an toàn vệ sinh lao động, Luật tố tụng lao động và sửa đổi toàn diện Luật bảo hiểm xã hội và Luật dạy nghề.
Song song với nhu cầu và thực tiễn lập pháp về lao động trong nước đã được Quốc hội khẳng định, Việt Nam ngày càng tham gia sâu và rộng hơn vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Việt Nam hiện nay đang tham gia đàm phán Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Liên minh châu Âu (EU) - đây là những FTAs đầu tiên mà Việt Nam tham gia đàm phán có chứa các điều khoản về lao động.
Trong bối cảnh như vậy, việc nghiên cứu, đánh giá thực tiễn thi hành các công ước lao động c a15f ơ bản của Tổ chức Lao động quốc tế mà Việt Nam đã gia nhập, từ đó, đưa ra những khuyến nghị cả về công tác lập pháp lẫn giải pháp thi hành là hết sức cần thiết trên cả phương diện lý luận khoa học cũng như thực tiễn công tác lập pháp và thi hành pháp luật. Cuốn sách này sẽ góp phần hoàn thiện pháp luật về lao động ở nước ta phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao trách nhiệm của Việt Nam trong việc thực hiện nghĩa vụ quốc gia thành viên đối với Tổ chức Lao động quốc tế.