Jane Elliott không phải là nhà văn nhưng câu chuyện của cô có thể gây xúc động với bất cứ ai đọc nó, và trở thành cuốn sách best-seller tại Anh năm 2005. Phải chăng những gì tưởng chừng phi lý trong tự truyện của Jane lại là điều có thực trong cuộc sống hiện tại.
Richard-người cha dượng của Janey chỉ hơn cô bé 14 tuổi nhưng hiện lên không khác hơn một hung thần hay quỷ dữ. Sự mất nhân tính trong con người ấy đã hành hạ, phá huỷ cả tuổi thơ của cô bé bằng những “trò chơi” về tình dục do hắn tự nghĩ ra, những trận đòn kinh hoàng không nguyên cớ, sự hành hạ tâm lý bằng lời lẽ thô tục và kích động nhất. Janey phải chịu đựng tất cả những điều tồi tệ ấy.
Đã bao lần ý nghĩ về sự chạy trốn hay tự tử đã đến với cô bé để rồi mọi thứ đều trôi qua trong vô vọng. Bên Janey còn có mẹ, những người thân, những người hàng xóm nhưng tất cả đều không hay biết chuyện đó, hoặc cố tình không dám đối mặt với sự thực cay đắng ấy. Vì đơn giản họ không muốn bị kẻ hung dữ như Richard gây phiền toái, hay tính phớt Ăng-lê vốn có của người Anh là chẳng bao giờ để tâm đến hoàn cảnh của ai.
Đọc những trang viết của Jane Elliott người ta không khỏi bàng hoàng, tức giận về sự băng hoại đạo đức đến cùng cực, lạm dụng tình dục với trẻ em và nạn bạo hành gia đình diễn ra như một điều hiển nhiên. Ẩn ức tâm lý về một tuổi thơ không lành lặn ấy sẽ còn theo đuổi Janey không biết đến khi nào mới thôi.
Jane Elliott cho rằng những độc giả của Người tù bé nhỏ sẽ có hai nhóm. Nhóm thứ nhất họ là những người sinh ra trong gia đình ổn định và hạnh phúc. Họ muốn biết hơn về một thế giới họ khó có thể tưởng tượng ra nổi. Còn nhóm kia chính là những người có hoàn cảnh như cô và thấy ở cuốn sách niềm an ủi rằng họ không cô đơn. Nhưng chính Jane cũng cảm thấy kinh hoàng nếu những người thuộc nhóm thứ 2 còn nhiều hơn nhóm thứ nhất, nhiều tới mức hiếm ai có thể tin đó là sự thực.
Theo VTCNews