Ba câu chuyện về trực diện đương đầu với cuộc đời này được viết ra không để tạo tâm trạng dễ chịu cho độc giả, vì cứ qua mỗi trang kế tiếp, sự cay nghiệt và tàn độc của cõi đời lại tăng thêm một mức nữa, các hình dung ban đầu của độc giả còn kém xa những gì diễn diễn tiến của hư cấu bày ra. Cuộc đời những người phụ nữ châu Phi có chút dính dáng với phương Tây không bao giờ mang màu hồng, nhưng phải có cái nhìn thấu suốt, “từ bên trong”, như tác giả ba câu chuyện trong cuốn sách này thì toàn bộ sự thảm khốc mới được lột tả đầy đủ, và cùng lúc là sức sống mãnh liệt của con người bị đẩy tới đường cùng. Cái nhìn ấy, và sức mạnh ngôn từ đặc biệt ấy, Marie Ndiaye sở hữu với một dung lượng lớn đến kinh ngạc.
“[Marie NDiaye] đã là một nhà văn lớn, đã tìm ra một hình thức chỉ thuộc về riêng mình để nói những gì thuộc về mọi người.”
(La Quinzaine littéraire, 1985)
“Marie NDiaye chỉ viết những cuốn tiểu thuyết rất hay […] bà vô cùng giỏi với các cảm giác như sợ hãi, hoang mang, xấu hổ, nhục nhã.”
(Libération)
“Vẻ đẹp của cuốn sách này nằm trong cách viết của nó, vô cùng khéo léo, luôn luôn sáng tạo, với nghệ thuật đưa cái kỳ diệu vào trong một truyện kể rất hiện thực, và với thiên bẩm đặc biệt là kết hợp những trạng thái tâm hồn nhân vật với nhau, nhờ vào một từ vựng phong phú và chuẩn xác […] Đây là một cuốn tiểu thuyết nói về sự sa đọa của đạo đức, sự thấp kém của đàn ông trước phụ nữ, những con người gánh chịu đau khổ, nhưng lại hé lộ, từ đáy của bất hạnh, một khả năng về cứu rỗi.”
(Le Monde)
Về tác giả:
Marie NDiaye sinh năm 1967 tại Loiret, Pháp, có bố là người Senegal, mẹ là người Pháp. Bố bà quay về châu Phi khi bà lên một tuổi và suốt đời rất ít khi bà được gặp bố. Sống với mẹ, bà bắt đầu viết văn từ rất sớm, khi mới hơn 10 tuổi. Năm 1985, 18 tuổi, tài năng của Marie NDiaye đã được Jérôme Lindon danh tiếng của NXB Minuit phát hiện và in tác phẩm của bà, Quant au riche avenir. Cho tới nay, Marie NDiaye là tác giả vô cùng thành công cả về phê bình, độc giả lẫn giải thưởng. Năm 2001, đến tác phẩm thứ tám, bà đoạt giải thưởng Fémina (tiểu thuyết Rosie Carpe). Năm 2009, bà trở thành tác giả đầu tiên trong lịch sử đã được giải Fémina lại được giải Goncourt, với Ba phụ nữ can đảm; bà cũng là nhà văn nữ da màu đầu tiên giành giải thưởng danh giá này. Năm 2010, các thống kê cho thấy bà là nhà văn Pháp ngữ được đọc nhiều nhất trong năm 2009. Marie NDiaye còn rất thành công trong kịch nghệ: bà có tác phẩm được diễn ở nhà hát Comédie-Française, trở thành nhà văn nữ duy nhất còn sống có được vinh dự này.