La Fontaine sáng tác nhiều tác phẩm với những thể loại khác nhau: truyện, thơ (1665), tiểu thuyết (Xise, 1664-1674), kịch... nhưng ông nổi tiếng thế giới với tập ngụ ngôn (1666-1694) gồm 12 quyển. Ông bước vào Viện Hàn lâm Pháp năm 1683.
Văn phong của La Fontaine giàu chất thơ, dí dỏm và hàm súc đa nghĩa. Truyện của ông gồm trên 60 truyện in thành tập, nổi bật bới tài kể chuyện. Thơ ngụ ngôn của nhà thơ tiêu biểu cho bút pháp nhẹ nhàng linh hoạt, uyên bác, hài hước, dí dỏm và cũng mơ mộng, phóng túng. Thơ của ông mang tính chất dân tộc sâu sắc, là biểu tượng của nền văn hóa Pháp.
La Fontaine có nhiều bài thơ nổi tiếng: Ve Và Kiến, Quạ Và Cáo, Chó Sói Và Cừu Non, Thần Chết Và Lão Tiều Phu, Con Cáo Và Chùm Nho, Gà Trống Và Cáo, Ông Già Và Các Con, Gà Mái Đẻ Trứng Vàng, Thỏ Và Rùa, Chó Thả Mồi Bắt Bóng, Đám Ma Sư Tử, Hội Đồng Chuột... Chúng đã trở thành điển hình cho các tính cách và các tình huống của cuộc sống.
Nhà thơ kế thừa truyền thống sáng tác của các nhà thơ ngụ ngôn trước ông như Edốv (Hy Lạp), Brabiux (Syria), Phedro (La Mã) và sáng tạo nhiều hình tượng mới có tính chất thời đại.
Xã hội loài vật trong ngụ ngôn tượng trưng cho xã hội Pháp thời đại La Fontaine sống, với các cung bậc, tầng lớp, những mâu thuẫn bộc lộ bản chất của xã hội đó: từ những người thấp cổ bé họng đến những vị quyền cao chức trọng.
La Fontaine trở thành nhà văn quen thuộc của mọi lứa tuổi, mọi thời đại và ngày nay thơ ông vẫn giữ nguyên giá trị thời sự sâu sắc.