Ai đẩy Thúy Kiều vào lầu xanh? Ai xô Alissa vào khung cửa hẹp? Định mệnh hay nghi ngẫu? Hoàn cảnh xã hội, tư tưởng tôn giáo, hay ý thức quyết tuyển tự do của con người, hay tâm thức của thiên tài sáng tác? Hay mọi thứ đó phối hợp?
Ta tạm nói theo lối hồ đồ: chính Nguyễn Du đã đẩy Kiều vào lầu xanh; chính Gide đã xô Alissa vào khung cửa hẹp. Để làm gì?
Vào phong trần, Thuý Kiều té sấp ngửa, mình mẩy đầy bụi, xiêm áo đảo điên, bị tước đoạt mọi quyền sống, chính khi đó Nguyễn Du lại đề huề đưa đức lý công thức ra khuyên giải; nhưng tại sao trong lời tương nhượng ôn tồn, bỗng dưng toàn thể vấn đề tư tưởng được đặt trở lại với xã hội Á Đông?
Bước vào khung cửa hẹp băng tuyết, nằm chết lạnh giữa niềm trinh bạch cóng giá chơi vơi, tiếng than dài của Alissa bỗng báo hiệu cho xã hội Tây Phương biết rằng họ đã sống dở chết dở, suốt hai nghìn năm. Nghĩa là kể từ ngày những tiếng nói dậy từ nguồn sống thiên thu bị nhân gian hiểu theo lối hẹp hòi công thức.
Đứng ở bình diện tư tưởng khác, chúng ta lại còn nghe ra ngôn ngữ hư vô bàng bạc. Gide cũng như Nguyễn Du đều suy tưởng lẽ hư vô đến tột vời, và còn đi xa hơn hơn những thiên tài như Neitzsche, nhìn thấy chân trời phối hợp của hư vô và vĩnh thể, bắt gặp Lão Tử, Thích Ca, Perménide, Homère aède Hy-Lạp và người dân quê Việt Nam.
Gió đưa cơn buồn ngủ lên bờ
Nhà khung cửa hẹp có ai ngờ chi không?
Và lời tựa đến đây chưa có kết thúc.
Tuy nhiên, cũng có thể kết thúc bằng lục bát thạch lựu mùa hè:
Lựu hoa đầu ngõ lập lòe
Dưới hoa quyên đã gọi hè thế ru
Trong hoa phát tiết sa mù
Mùa dâng nhị bội sương phù du tuôn.
- Bùi Giáng
Trích đoạn:
Kẻ khác có thể đã viết nên một tập sách; nhưng câu chuyện tôi kể ra đây, tôi đã hồi tưởng lại bằng cả tâm hồn, vì thế hiệu năng tinh thần đã mòn mỏi. Vậy tôi sẽ viết lại những kỷ niệm nầy một cách rất đơn sơ: thảng hoặc câu chuyện có rách nát đôi lần, cũng là việc ngoài ý muốn. Bịa đặt, thêm thắt, để vá víu những kỷ niệm, tiếp nối những kỷ niệm lại với nhau làm gì. Sự cố gắng trau chuốt lại câu chuyện sẽ làm hỏng mất nỗi hân hoan cuối cùng mà tôi còn mong được tìm thấy trở lại lúc kể cho bạn nghe.
Năm tôi sắp mười hai tuổi thì cha tôi mất. Không còn gì giữ mẹ tôi ở lại Havre nữa, cha tôi đã từng là một y sĩ nơi đây. Mẹ tôi bèn quyết định đến Paris, ở thủ đô việc học của tôi sẽ được chu đáo hơn. Người mướn một gian nhà nhỏ, gần vườn Luxembourg. Cô Ashburton cùng đến ở với chúng tôi. Cô Flora Ashburton, không gia đình, họ hàng, vốn từ xưa đến ở với gia đình tôi, ban đầu cô là cô giáo của mẹ tôi, rồi bạn của mẹ tôi, sau cùng hai người trở thành thân thiết. Tôi lớn lên bên cạnh hai người đàn bà dịu dàng cùng mang một vẻ buồn sầu như nhau, mà ngày nay tôi chỉ còn gặp lại trong kỷ niệm màu tang. Ngày nọ, có lẽ sau khi cha tôi mất khá lâu, mẹ tôi đổi miếng tang đen trên chiếc mũ của người, bằng một miếng vải tím nhạt.
Tôi ngạc nhiên: “Ồ, mẹ ạ! Màu tím coi không hợp với mẹ tí nào cả”.
Qua ngày hôm sau, mẹ tôi thay lại màu vải đen cũ.
Ngày nhỏ tôi ốm yếu luôn. Mẹ tôi và cô Ashburton, luôn luôn lo ngừa không cho tôi nhọc mệt, nếu không làm tôi trở thành một thằng lười, ấy quả thật vì tôi vốn ham thích làm việc. Khi trời chói chang bắt đầu vào hạ, cả hai người đàn bà cùng nghĩ rằng nên cho tôi từ giã đô thành, tôi đã quá xanh xao; thế là vào khoảng trung tuần tháng sáu, gia đình tôi thu xếp về miền Fongueusemare gần hải cảng Havre, cậu Bucolin sẽ đón tiếp chúng tôi tại đây hằng năm, khi trời bắt đầu vào hạ.
Trong một khu vườn không rộng, không đẹp lắm, không có gì đặc biệt hơn những khu vườn “normăng” khác, ngôi nhà cậu tôi, màu trắng, hai tầng lầu, kiểu giống những ngôi nhà thôn dã thời trước. Vài chục cánh cửa sổ ở mặt vườn phía trước mở về hướng đông; phía sau cũng chừng ấy cánh; hai bên là vách cao. Những cửa sổ lắp bằng nhiều khuôn kính nhỏ hình vuông, một vài khuôn vừa thay mới, trông tươi thắm quá giữa những tấm cũ, nhạt màu. Đôi tấm xấu có bọt sủi, nhìn qua đó, thì cây bên ngoài xiêu vẹo cả thân... người phát thư đi ngang, thình lình như nổi bướu trên lưng.
Khu vườn hình chữ nhật, chung quanh là tường gạch. Đàng trước là một nội cỏ khá rộng, có bóng cây, lối đi trải sỏi, tường vôi được xây thấp xuống, nhìn qua thấy khu sân thôn trang bao quanh khu vườn; và một con đường đi giữa những hàng cây dẻ gai.
Khu vườn sau nhà có phần rộng rãi hơn. Lối đi đầy hoa nở bên những hàng cây trồng dựa vách tường nam. Hàng cây nguyệt quế rất dày che khuất gió biển về trên đó. Một lối khác, dọc theo tường bắc, mất hút trong cây lá rườm rà. Các cô em họ tôi gọi là “lối âm u”. Vào lúc hoàng hôn, ít khi dám lang thang ra đấy. Hai lối đi cùng dẫn tới vườn rau, vườn rau tiếp khu vườn, và thấp hơn vài bệ gạch... Rồi bên kia bức tường cuối vườn rau - bức tường có chừa một cửa kín - là khu rừng nhỏ, hai con đường trồng dẻ gai dọc theo bờ chìm vào, mất hút bên trong. Từ bực thềm phía tây, nhìn qua khu rừng thấp, thấy lại dãy cao nguyên bát ngát và sườn đồi trồng ngũ cốc giăng giăng. Tại chân trời, xa xa, thoáng bóng ngôi nhà thờ của một thôn bản nhỏ. Những chiều về tĩnh mịch, đôi làn khói xám vươn lên.
Mỗi chiều hè, sau những buổi cơm tối, chúng tôi xuống chơi trong “vườn thấp”. Chúng tôi lách qua cửa kín, tiến đến một cái ghế đá bên đường dẻ gai; ngồi đây có thể nhìn được cả xứ nầy; cậu tôi, mẹ tôi, và cô Ashburton ngồi xuống ghế đá, bên cạnh mái nhà tranh gần cái hầm đất vôi bỏ hoang đã lâu. Thung lũng nhỏ trước mặt, bàng bạc sương chiều. Nền trời vàng óng trên núi đồi xa xa... Chúng tôi vẫn còn dần dà mãi trong vườn... Trở vào nhà, nơi phòng khách, gặp lại mợ tôi; mợ tôi thường chả bao giờ cùng chúng tôi dạo vườn... Chúng tôi ở phòng riêng chong đèn đọc sách. Một lát khuya, chỉ còn tiếng chân mẹ, cậu, mợ, chậm rãi lên lầu về phòng riêng an giấc.
Ban ngày, không ở vườn, thì chúng tôi ở phòng văn của cậu tôi, có ghế bàn đầy đủ cho chúng tôi. Robert ngồi bên tôi, phía sau là Juliette và Alissa, Alissa lớn hơn tôi hai; Juliette nhỏ hơn tôi một; trong bốn đứa, Robert nhỏ nhất.
Tôi không kể lại nơi đây tất cả những kỷ niệm đầu tiên ngày nhỏ, tôi chỉ kể lại những kỷ niệm nào có liên hệ đến câu chuyện nầy thôi. Câu chuyện có thể nói là khởi đầu vào năm cha tôi mất. Có lẽ tình cảm tôi bị xáo trộn quá nhiều vì cái tang lớn, vì buồn riêng, vì nhìn thấy mẹ buồn, mà tâm hồn tôi dễ bị xúc động qua những niềm cảm mộ mới chăng? Tuổi còn nhỏ, mà tôi đã sớm hiểu biết quá nhiều; và năm ấy, khi trở lại miền Fongueusemare, tôi thấy Robert và Juliette như càng nhỏ thêm ra, nhưng khi nhìn lại Alissa, đột nhiên tôi chợt hiểu rằng cả hai chúng tôi không còn trẻ con nữa.
Vâng, chính là vào năm cha tôi mất. Điều giúp tôi tin chắc ký ức mình không nhầm lẫn ấy là một mẩu chuyện, một vài lời đối đáp giữa mẹ tôi và cô Ashburton, sau khi chúng tôi tới nhà cậu. Tôi vào phòng riêng giữa lúc mẹ tôi đang nói chuyện với cô Ashburton; hai người đương nói về mợ tôi. Mẹ tôi tức giận tại sao mợ tôi không giữ tang phục, sao lại đoạn tang quá sớm (Riêng với tôi, thì không thể nào tôi hình dung được mợ Bucolin vận tang phục đen, cũng như không thể nào hình dung mẹ tôi vận đồ tươi thắm được). Ngày chúng tôi đến, tôi nhớ rõ là mợ Lucile Bucolin mặc một chiếc áo hàng mỏng rất thưa. Cô Ashburton, tính ưa hòa giải, gắng làm dịu lòng mẹ tôi; bà e dè nói :
- Kể ra màu trắng cũng là màu tang.
Mẹ tôi tức giận nói :
- Thế thì cái khăn quàng vai đỏ rực của nàng, chị cũng gọi là “màu tang” nữa chắc?
Flora! Chị làm tôi tức lắm!
Tôi chỉ gặp mợ tôi vào những ngày nghỉ học, chắc hẳn sự oi bức của mùa hè khiến mợ phải mặc hàng thưa, và chính lối ăn vận trống hở ấy càng làm mẹ tôi tức và khó chịu hơn là màu thắm của chiếc khăn quàng.
Lucile Bucolin rất đẹp. Một tấm ảnh của mợ, tôi còn giữ, gương mặt giống nguyên như thuở ấy, có vẻ trẻ đến nỗi ta có thể lầm tưởng mợ là chị cả của hai người con gái, chứ không phải là mẹ. Ảnh chụp Lucile ngồi trong dáng dấp quen thuộc: đầu tì trên tay trái, ngón út mềm mại gập về làn môi. Một chiếc lưới giữ mái tóc cong dầy xõa xuống gáy; một chiếc médaillon khảm lối Ý, thõng buông từ chiếc vòng cổ lỏng bằng nhung đen, chỗ hở của áo cánh. Vòng cổ nhung đen, thắt “nơ” lỏng, chiếc nón rạ rộng vành, mềm dịu, càng làm cho vẻ mặt nàng thơ dại thêm ra. Bàn tay phải, buông xuôi, cầm một tập sách.
Lucile Bucolin vốn sinh ở thuộc địa và mồ côi rất sớm. Sau nầy mẹ tôi cho biết rằng thuở nhỏ Lucile bơ vơ, côi cút, được gia đình mục sư Vautier đem về nuôi. Thuở ấy, mục sư chưa có con, rồi sau nầy, khi rời xứ Martinique, vị mục sư đem nàng về Havre cùng với gia đình. Thế rồi hai gia đình Vautier và Bucolin giao thiệp nhau; cậu tôi thuở ấy đương là một thuộc viên cho một nhà băng ở ngoại quốc, và ba năm sau, khi trở về gia đình, cậu mới gặp Lucile. Cậu yêu ngay, và liền hỏi nàng làm vợ. Điều đó làm cho ông bà và mẹ tôi buồn phiền. Lucile mới mười sáu tuổi. Trong khoảng thời gian đó, bà Vautier hạ sinh được hai con, và bắt đầu lo sợ cho con mình trước cái ảnh hưởng của người chị nuôi, mà tính khí càng ngày càng tỏ ra kỳ quặc. Hơn nữa, của cải vị mục sư cũng chẳng có mấy. Tất cả những điều nầy, mẹ tôi kể lại để cho tôi biết rằng gia đình vị mục sư hân hoan biết mấy trước lời cầu hôn của cậu tôi. Điều tôi đoán biết là cô Lucile đã bắt đầu làm cho ông bà Vautier bối rối. Tôi cũng hiểu rõ đô thị Havre, để có thể tưởng tượng được thái độ của người ta đối với cô gái đầy quyến rũ ấy. Mục sư Vautier (sau nầy tôi được biết), vốn tính cẩn trọng, ôn hòa chơn chất, vốn không phương thế đối phó với những sự rối rắm, với những việc dữ - hẳn mục sư thấy bối rối mà không biết làm sao. Còn bà Vautier, thì tôi không rõ; bà mất đi lúc sinh hạ người con thứ tư, người đó sau nầy sẽ là bạn của tôi.