“Và Chúa đã tạo ra đàn bà, nhưng quỷ dữ đã tạo nên B.B.” – đó là câu quảng bá quen thuộc về bộ phim năm 1956 của đạo diễn Roger Vadim. Điện ảnh đã tạo ra hiện tượng nhục cảm khiêu khích với B.B – Brigitte Bardot – như biểu tượng của thế hệ “Làn sóng Mới” những năm hậu chiến ở châu Âu. B.B đã trở thành liều thuốc độc ngọt ngào hạ gục mọi trái tim đàn ông thế giới. Câu chuyện không thể đặc trưng hơn cho một thế hệ nổi loạn bằng vẻ tự nhiên tươi mát đến choáng váng, chống lại những luân lý và định kiến bảo thủ của một xã hội cũ kỹ. Câu chuyện kể về Juliette Hardy, một cô gái mồ côi khao khát tình yêu, nhưng vấp phải những rào cản định kiến xã hội và những người đàn ông không mấy thực tâm đối xử tốt với cô. Nhưng chính sự hoang dại tự nhiên của cô làm tất thảy không yên ổn với sự đạo đức giả của họ. Như một bài ca lãng mạn không chút bi ai xoa dịu những chấn thương tâm lý, câu chuyện thể hiện truyền thống ái tình hoan lạc rất Pháp.
Người ta đã so sánh Bardot với nàng tiên cá cất tiếng hát bằng ánh mắt và diễn xuất tự nhiên trời phú. Giai điệu mà đạo diễn Vadim tạo nên qua Bardot đã định cư trong đầu óc thời đại, bài ca đã dụ được đám kiểm duyệt thời đó va vào những thành vách ẩn sau sương mù và đập vỡ vĩnh viễn cái vỏ nghiêm cẩn của điện ảnh tránh né tình dục.
Bộ phim gây nên tranh cãi liệu có phải chính sự đơn giản của cốt truyện lại là đất để cho Vadim khai thác được vẻ đẹp diễn như không diễn của B.B. Sự tinh quái của nhà làm phim nằm ở chỗ không nhọc công biện giải cho vấn đề đạo đức, trưng ra một cô gái đẹp làm sững sờ tất thảy – vốn chẳng xa lạ gì trong kho tàng nghệ thuật nước Pháp, nhưng khác với Victor Hugo cho Esmeralda bị tử hình trong câu chuyện thời Trung cổ thì Juliette Hardy đã được tôn vinh ngầm qua những góc quay đầy khoái cảm của Vadim. Với lối kể hấp dẫn, người đọc vẫn có thể cảm nhận được sức nóng của câu chuyện trên từng câu chữ và những hình ảnh đẹp về B.B in kèm trong cuốn sách.