Đây là cuốn sách được giới sử học Pháp đánh giá là một trong những cuốn sách giá trị nhất viết về Võ Nguyên Giáp, nhà quân sự lỗi lạc, vị tướng lĩnh tài ba, nhân vật nổi bật của lịch sử hiện đại Việt Nam và thế giới thế kỷ 20.
Tác giả là một người Pháp, một thành viên của nhóm trí thức mác-xít hoạt động công khai tại Sài Gòn năm 1947, sau này ông ra Bắc xin vào hàng ngũ Việt Minh và tham gia kháng chiến chống Pháp. Những năm 50, ông ra Việt Bắc làm công tác địch vận, tham gia cải tạo tù binh Pháp. Năm 1954, ông về Hà Nội làm cho báo tiếng Pháp Le Viêt Nam en marche (Việt Nam tiến bước), sau đổi là Le Courrier du Viêt Nam (Tin Việt Nam). Cộng tác viên của Nhà xuất bản Ngoại văn (Hà Nội) và tạp chí Études vietnamiennes (Nghiên cứu Việt Nam). Năm 1964, ông trở về Pháp, bảo vệ luận án tiến sĩ sử học về đề tài Việt Nam, sau đó làm giáo sư trường Đại học Paris VII, giảng dạy về lịch sử hiện đại Việt Nam. Ông là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu và bài báo viết về Việt Nam có giá trị như: Phan Bội Châu, Giap… Ông cũng là dịch giả đã giới thiệu nhiều tác phẩm Việt Nam ra tiếng Pháp, như Tắt đèn của Ngô Tất Tố, Dế mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài, Đại thắng mùa xuân của Văn Tiến Dũng...
Cuốn Võ Nguyên Giáp (nguyên bản tiếng Pháp là Giap) là một phần trong luận án tiến sĩ của ông. Ông sử dụng tiếng Việt thành thạo, tham khảo nhiều tư liệu chính thống của Việt Nam, kết hợp với nhiều nguồn sách báo nước ngoài nên trong cuốn sách của ông có nhiều tài liệu và nhiều quan điểm, đánh giá mới mẻ.
Tác giả đã khắc họa rõ nét, sinh động chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ khi còn là một cậu bé cho tới khi trở thành vị chỉ huy của quân đội Việt Nam trong sự tham chiếu, so sánh giữa nhiều nguồn tư liệu khác nhau. Ngoài những chi tiết nói về những chiến tích của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, không có gì khác biệt so với các cuốn sách khác của các tác giả phương Tây, còn có những chi tiết rất thú vị cho chúng ta biết về năm sinh của Đại tướng, những đoạn viết nói rõ âm mưu hiểm độc của thực dân Pháp có ý định mua chuộc cậu học sinh trung học Võ Nguyên Giáp, nhưng kết quả ngược lại, Võ Nguyên Giáp đã trở thành người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã chỉ huy toàn quân dân đánh bại ba đế quốc lớn và các thế lực phản động khác. Có những hiểu lầm về vị Đại tướng huyền thoại đã được tác giả làm rõ và tìm ra sự thật bằng những tài liệu phong phú và xác thực.
Về tác giả:
Georges Boudarel sinh ngày 21 tháng 12 năm 1926 tại Saint-Estienne, Loire, trong một gia đình Công giáo. Sau khi tốt nghiệp đại học ngành văn chương, ông tham gia Đảng Cộng sản Pháp. Vào cuối những năm 1940, Georges Boudarel làm giảng viên triết học tại trường trung học Marie-Curie ở Sài Gòn.
Thời gian này, ông tham gia với một nhóm Mác-xit của những người Pháp và qua đó bắt liên lạc với phe kháng chiến Việt Nam. Năm 1949, Georges Boudarel rời bỏ cương vị giáo viên tại trung học Yersin, Đà Lạt, để tham gia vào Việt Minh với bí danh Đại Đồng. Ông được Phạm Ngọc Thạch phân công làm việc tại Địch vận Việt Minh, phát thanh cho ban Pháp Ngữ đài Nam Bộ Kháng chiến.
Thời gian sau, Georges Boudarel được thuyên chuyển lên Việt Bắc, giữ nhiệm vụ phó trưởng trại cho trại tù số 113 giam tù binh Pháp tại Láng Kiều, gần biên giới Trung Quốc, phía nam Hà Giang. Sau khi cuộc chiến tranh Đông Dương kết thúc, Georges Boudarel tỏ vẻ thất vọng với chiến tranh và nhờ sự can thiệp của Đảng Cộng sản Pháp để rời Việt Nam sang Praha vào năm 1964. Ông được Đảng Cộng sản Tiệp Khắc sắp xếp một công việc tại Tổng Công Đoàn Thế Giới (World Federation of Trade Unions). Năm 1967, sau khi chính phủ Pháp thông qua đạo luật ân xá cho những người phạm tội trong các cuộc chiến tại Đông Dương và Algerie, Georges Boudarel trở về Pháp và tiếp tục đi học. Ông bảo vệ luận án tiến sỹ với đề tài về Phan Bội Châu. Georges Boudarel trở thành một nhà nghiên cứu về Việt Nam quan trọng và được giới học giả công nhận, với nhiều tác phẩm giá trị... Ông cũng là một dịch giả đã giới thiệu nhiều tác phẩm Việt Nam ra tiếng Pháp, như Tắt đèn của Ngô Tất Tố, Dế mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài, Đại thắng mùa xuân của Văn Tiến Dũng... Từ năm 1967 đến khi nghỉ hưu, Georges Boudarel giảng dạy tại trường Đại học Paris VII.
Không giống với những người khác, Georges Boudarel không giấu đi quá khứ đã rời bỏ phía Pháp để theo Việt Minh. Ông nhìn nhận thẳng thắn vào lịch sử của Việt Nam mà bản thân ông có liên quan. Những năm cuối đời, Georges Boudarel sống trong trại dưỡng lão và mất vào ngày 26 tháng 12 năm 2003, thọ 77 tuổi.