Sống để đi dần đến chết
Đêm qua, có một bông quỳnh ngậm sương vừa nở. Trong lúc bung từng
cánh trắng mỏng manh để dịu dàng tỏa lan làn hương tinh khiết cho nhân gian, cũng
là lúc hoa quỳnh đang đi vào cõi chết. Hoa nở để tàn. Và chúng ta sống, để đi dần
đến cái chết.
Tôi kể chuyện này cho bạn nghe, vì có thể lúc này chúng ta chưa hiểu
nhau, nhưng ngày nào đó, khi bạn dành thời gian dù dăm chục phút, chịu khó thức
đêm, bỏ hết công việc bề bộn sau lưng, để ngồi thảnh thơi nhẩn nha chờ quỳnh nở,
bỗng dưng bạn sẽ mang niềm đồng cảm này cùng tôi. Đừng quên nhìn thật lâu vào
hoa, chỉ để ý đến hoa mà trong lòng không khởi sự nghĩ gì cả. Biết ngắm hoa và
biết thưởng thức hoa, đã đủ cho một quãng thời gian trong thiền. Sống thiền là
gì? Là cảm nhận mọi vật như đang là, mà không mảy may phán xét, không chấp cố,
không ngôn từ nào cần nảy sinh cho khoảnh khắc ấy. Vậy thôi, thế là vừa vặn cho
bạn thấy sự thanh thản dâng lên để chợt hiểu, cuộc đời con người đâu khác gì
loài hoa buông nở sự sống để đi vào cõi chết trong từng tích tắc kia. Hoa thì tỏa
hương, còn ta, thì để lại gì cho đời, nếu không là nỗi đắng cay thì cần hơn nên
là lòng nhân ái.
Sự đồng cảm có thể hiểu thấu người khác, lắm khi lại không đơn giản.
Trước hết, bạn có sự từng trải, khi chính là bạn đã sống trong sự việc ấy, để
hiểu thấu rõ mọi đau đớn oán giận buồn vui sung sướng. Thế nên, cõi đời mới cho
chúng ta quy luật về gieo nhân nào gặt quả nấy. Bạn mang hoa thơm tặng người
thân hay sơ giao, thì hương hoa sẽ vương trên từng ngón tay bạn, còn nếu là quả
đắng, đến lúc chính bạn là người nếm vị đó trước tiên. Việc bạn gây ra cho người
khác, đến lúc bản thân bạn cũng sẽ ở trong hoàn cảnh đó? Đời cho quy luật
nghiêm ngắn ấy để làm gì? Chỉ để chúng ta biết mọi hành động của chúng ta đều
có thể tác động lên số phận người xung quanh. Một cái lá rơi xuống mặt hồ trong
xanh phẳng lặng, vừa đủ lay động mặt hồ. Nếu lòng hồ rộng và sâu, như lòng
chúng ta đủ bình an, rộng lượng lẫn hiểu thấu, thì tác động của cái lá chỉ là bề
mặt. Còn nếu lòng hồ chật hẹp, như lòng chúng ta đầy sự cố chấp, thì một cái lá
cũng làm tổn thương chấn động cả cõi hồ. Hẳn nhiên tổn thương ấy sẽ lưu vào trí
nhớ để dần dần tích lũy thành niềm đau đớn và nuôi dưỡng sự oán hận.
Vậy thì trước khi một hành động được thoát ra, lắm khi còn vô thức
chạy trước cả ý nghĩ, chúng ta sẽ chọn cho mình cách cư xử nào? Sẽ mang sự nhân
ái đến cho nhau hay nỗi đắng cay khó thể tháo gỡ?
Thời gian cho một quãng đời
người, tưởng là dài, nhưng thực ra quá ngắn, lẽ sống không biết ngày mai ra
sao, chúng ta càng khó biết trước khi nào đời này kết thúc. Ngày ta chào đời,
có thể đoán được giờ sinh, nhưng đến khi chết, thì sao đủ tinh lực an tĩnh phát
sinh định huệ để biết ngày giờ chết? Vậy nên trong lúc sống, cũng cần thiết chuẩn
bị luôn cho cái chết. Cần nhất là chết trong thanh thản, không tiếc nuối vấn
vương điều gì, chết với nụ cười nhẹ nhõm trên môi. Để chết như thế, thì cốt yếu
đừng gánh nợ bằng những nỗi đau mà mình gây ra cho người khác. Mà có trót gây
ra, thì nên tự cho mình hành động sửa chữa bằng yêu thương, đừng vấn vương cái
tôi có thể bị hao mòn. Vết đau nào cũng lành được, khi có tình chân thành của
con người thấm đẫm. Lẽ tự nhiên là, khi người khác hạnh phúc, trong tim bạn
cũng khởi phát sự vui, và khi người khác
đau, trong bạn cũng có niềm day dứt. Sự tác động của bạn vào người khác là thế.
Chỉ có thể cảm nhận từ chiều sâu tâm cảm.
Sâu trong mỗi người, lòng ai cũng đều có thể mềm mại vì sự thương
yêu chân thành không toan tính từ người khác. Thương yêu giữa hiểu thấu bởi
chính bạn đã từng trải qua điều đó và trái tim bạn đã sẵn lòng mở rộng do không
cầu mong thu hẹp bởi oán hờn.
Khoảnh khắc khi bạn dừng mắt khỏi dòng chữ này rồi cũng qua đi, có
lẽ bạn chẳng khởi sự lên rằng cần tìm một nhành quỳnh chuẩn bị trổ hoa để ngắm.
Cũng cho rằng cái sự sống đang hiện hữu khắp mạch máu hơi thở tế bào của bạn
đây làm sao có thể đi đến cái chết trong tích tắc nên cứ làm gì mình muốn làm
gì mình thích cho thỏa mãn hết ham muốn lẫn mọi sầu lụy u tối trong lòng, bằng
việc trút gánh nặng tâm trí ham muốn cá nhân của mình lên người khác.
Trút hết oán giận đi rồi, sẽ còn lại sự trống rỗng hoang hoải, thế
thôi.
Bạn muốn nhận lại gì, thì sẽ trao cho người khác điều đó. Trừ khi bạn
ưa thích là kẻ đơn độc giữa cõi người.
Đã bao lâu rồi bạn ngừng mọi trạng thái suy nghĩ, dừng xe bên hè phố,
để ngẩng mặt lên nhìn trời. Phía cao cao chưa cần là màu xanh mát, mây trắng la
đà mướt mắt, ngắm gần hơn sẽ thấy tàng cây xanh, treo hoa đỏ phượng, tím bằng lăng
và vàng điệp. Đứng yên, hít thật sâu mùi vị không gian xung quanh. Thế thôi, bỗng
dưng bạn sẽ thấy nhẹ nhõm, yêu đời. Khi cảm nhận sự vật như đang là thế, nghĩa
là bạn biết sống, ngay trong giây phút hiện tại.
Đã khi nào bạn chạm chân đến đáy vực của sự chết, chẳng phải là sự
tắt nhịp thở, tim không còn đập của cơ thể vật lý. Mà là cái chết trong tâm cảm.
Một ngày trở dậy, bạn chẳng còn hỏi rằng, mình đang đi lại, ngủ nghỉ,
ăn uống, kiếm tiền lẫn giữa bon chen, tị hiềm, vất vả, cay đắng, nhẫn nhục cùng
lảng vảng bao giận ghét hờn tủi để làm gì. Bạn nhìn ra ngoài cửa sổ, cứ cho ban
mai nghịch tóc qua gió, ngó nắng ngày mới lên… mà không cảm thấy gì cả. Bạn ra
khỏi giường, đánh răng rửa mặt, ăn sáng mà không biết trong mồm đang nhai cái
gì, thay quần áo một cách vô thức, dắt xe ra ngoài cửa vô thức, đi trên đường,
nhìn người người ngang qua mình vô thức, rồi đến cơ quan, bạn giở đống việc
đang làm dở vô thức. Bạn bắt đầu một quãng sống vô thức như thế. Thế là bạn chạm
trán cái chết rồi đấy. Chết khi thân thể còn đang sống, mạch máu vẫn chuyển động,
tế bào vẫn sinh sôi, dạ dày còn co bóp, khuôn mặt vẫn còn đó nụ cười, miệng vẫn
mở lời nói năng, mắt còn chớp chớp nhìn người đối diện… Trong bạn không còn gì
cả ngoài khoảng rỗng khôn cùng. Nếu là tức giận, nếu là buồn thảm, nếu là khóc
lóc, thì còn đó nhiệt huyết ham sống. Nhưng thật sự là mọi thứ đang tắc nghẽn ở
nơi nào đó. Bạn đã chạm đáy sự tuyệt vọng rồi.
Vậy đến lúc, bạn tìm con đường sống mới!
Bắt đầu từ việc học cách tin tưởng. Từ người thân thiết nhất của
mình. Tin không phải để hy vọng người đó sẽ thay đổi theo điều mình mong, làm
những thứ mình muốn. Tin đơn giản rằng, họ đã sống nhiều năm đến thế ngay cạnh
bạn, dù rằng đã bao lần làm bạn rơi nước mắt hay ê chề đau khổ, thì hãy tin rằng,
bên trong họ còn có điều tốt đẹp còn lại. Chỉ nên nhìn điều tốt đẹp ấy, quên đi
mọi thứ lầm lỗi. Tự nhủ, nếu người không thể tốt với bạn, thì bạn cứ tốt với
người ta trước. Sự thật là khi trong lòng bạn có niềm tin để dẫn tới vị tha, hoặc
rộng lớn hơn là việc thứ tha mãi mãi. Bỗng nhiên, trong bạn là cả không gian an
nhiên nhẹ nhõm. Chỉ tình thương mới bù đắp được sự thiếu tình thương.
Lắm khi bất hạnh lại trở thành điều may mắn, nếu bạn biết tận dụng
nó. Không còn nữa bon chen mệt mỏi, cũng đừng nên lo lắng bạn và gia đình sẽ sống
ra sao? Đơn giản là hãy tập làm cho tinh thần thăng bằng cùng tâm hồn bình an,
bằng cách cảm nhận chính cơ thể mình. Hãy biết rằng mình đang hít vào, thở ra.
Hít vào thật sâu, thở ra thật chậm. Cảm nhận luồng không khí đi ra đi vào qua hốc
mũi của bạn. Hơi thở nối chặt bạn với sự sống, cùng sự tĩnh tại. Bên trong ngôi
nhà tâm cảm của mỗi chúng ta, vẫn là không gian vắng lặng tịch mịch cùng niềm
vui sống chất chứa từ vô thỉ, chỉ đơn giản, khi bạn để mọi sự vật bên ngoài kéo
đi, cùng những lo lắng suy tính không dứt mà chẳng để làm gì, kèm theo mọi trạng
thái nặng nề khổ sở, là lúc bạn mang rác chất đầy ngôi nhà thanh sạch ấy. Vậy
việc của bạn lúc này là chấm dứt nghĩ ngợi, nhận rõ các cảm giác xấu đang khởi
lên từ bên trong bằng cách nhận biết hơi thở, tốt nhất, đếm hơi thở. Thở ra đếm
một, thở vào đếm hai. Nếu thấy mình đang đếm sai hoặc không nhớ, thì ngừng lại
và đếm từ đầu.
Với tư thế ngồi thẳng lưng, chân tay để thoải mái, đầu nhìn thẳng về
phía trước, miệng nhớ mỉm cười nhẹ nhàng… đó là lúc bạn đang tống rác mệt mỏi
buồn phiền lo lắng sợ hãi cáu giận ra khỏi ngôi nhà của mình. Chỉ cần ngồi im lặng
mười lăm phút thôi, thực hiện như thế, bạn sẽ tìm thấy điều mình mong mỏi bấy
lâu: An nhiên trong lòng dù bên ngoài thế giới đang nổi bão, khi đó, bạn sẽ đủ
sức mạnh để làm những thứ mà trước đây chính bạn không tin rằng bản thân có thể
làm nổi.
Một niềm sống mới mở ra, từ khi bạn thấy được hơi thở của mình.
Vào buổi chiều này, tại sao, không thử thay vì đầu tắt mặt tối lo
cho gia đình như mọi khi, bạn thử buông bỏ hết, để một lần ra ngoài hòa mình
vào thiên nhiên. Chân trần giẫm lên nền xi măng, thấy cái nóng, rát, khô từ mặt
đất đi qua lòng bàn chân. Mắt ngắm lá lẫn hoa đang căng tràn sức sống. Nhớ lại
bài học hít thở, và sau đó đưa thật sâu hương hoa lá cho dâng đầy mùi trong cơ
thể bạn.
Đừng hỏi tại sao hoa sen lại tinh khiết và thơm tho thế dù đang ở
giữa bùn, khi chính bạn cũng đang là đóa sen nở hương từ những đau buồn cuộc đời.
Nhớ tập sống trước khi mình thực sự hết kiếp người, bạn nhé!
Nguyễn
Quỳnh Trang
Tiểu thuyết 9X09 của tác giả Nguyễn Quỳnh Trang được in trên chất liệu giấy xốp Phần Lan và do công ty TNHH Văn hóa
Đinh Tị trân trọng giới thiệu đến quý vị độc giả.