27 bài tuỳ bút trong tập sách dày gần 300 trang mang tên Dặm ngàn hương cốm Mẹ
Mỗi bài tuỳ bút trong tập sách là một áng văn xuôi dập dìu hình ảnh, nhạc điệu, đưa người đọc tìm về, sống lại trong hoài niệm của những kí ức đẹp.
Cái mới của tập sách không phải ở đề tài bởi những đề tài ấy từ lâu đã nổi tiếng trong các trang văn của các bậc tiền bối tài hoa xưa nay như Tản Đà, Thạch Lam, Vũ Bằng, Nguyễn Tuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường,... Nhưng Nguyễn Tham Thiện Kế, với tài năng - và nặng hơn cả là một tấm lòng thương thảo, mến yêu, trân trọng, tiếc nuối về một đời sống trong trẻo, đẹp đẽ đã rời bỏ chúng ta ra đi; trong từng con chữ, nhà văn đã phục dựng được tinh thần của đời sống ấy, đã đánh thức và làm sống dậy trong mỗi chúng ta những giấc mơ được trở về một vùng đất và thoả thuê ngắm nhìn, thưởng ngoạn bao điều đẹp đẽ đã biến mất trên thế gian này.
Hầu như tất cả những gì Nguyễn Tham Thiện Kế viết vẫn còn đây : những hoa lí, đồi cọ, nương sắn, những cốm, những bánh khúc, hoa đào,... Còn đây nhưng không còn nguyên vẹn tinh thần nữa. Người đọc hẳn không khỏi rưng rưng trong cảm giác ngậm ngùi chua chát trong nỗi nhớ về Hà Nội : “Tôi đang đứng bên hồ mà vẫn thương nhớ Hồ Tây”
(Lời cầu nguyện cho Hồ Tây)...; hay trống vắng, chênh chao khi đọc những dòng nhà văn khóc cho những gì đang mất, đang lụi tàn : “Và trong hương thơm của mùa rau khúc tháng Giêng Hai, trong tiếng rao đêm ngai ngái như ở tận chân trời, Tôi bỗng rùng mình nhớ về những người thân yêu và những điều thiêng liêng đã làm nên ý nghĩa duy nhất của đời sống chúng ta đang lần lượt ra đi không có ngày trở lại...”
(Tôi khóc những cánh đồng rau khúc);...
Mỗi câu chuyện trong cuốn sách đều gắn với những số kiếp và thân phận của con người - gắn chặt với những thăng trầm dâu bể của mỗi cảnh sắc, mỗi món ăn thức uống của quê hương. Phận cây, phận người gắn bó với nhau. Hạt cốm gắn với số Chị, kiếp Mẹ, phận Bà. Cốm cũng long đong, “ba chìm bảy nổi chín lênh đênh” như đời người vậy...
Với Dặm ngàn hương cốm Mẹ, bằng tài năng và tâm huyết của một nhà văn lao động nghiêm túc vì tiếng Việt nghệ thuật, tình yêu đó được truyền sang mỗi người đọc một cách thật tự nhiên mà thấm thía.
Ngày mùa thu, hãy đọc tập tuỳ bút của Ngyễn Tham Thiện Kế như là cách thưởng cốm làm từ nếp cái hoa vàng: “Nhẩn nha nhai. Chầm chậm ép hạt cốm giữa bề mặt hai hàm răng thì mới cảm nhận hết tinh khí Trời Đất. Và hít một hơi thở sâu căng lồng ngực để hương cốm thấm vào da thịt trước khi vị giác xác tín những ngọt mát ngậy bùi...”
(Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm).