Đồ tể, tập truyện thứ hai của nhà văn vừa được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2013 (cho tập
Bãi vàng, đá quý, trầm hương)
– Nguyễn Trí – vừa tiếp nối mạch văn đầy ắp trải nghiệm, những câu chuyện li kì của những công việc lạ, lại vừa chững chạc trong bút lực mang giọng điệu rất riêng. Mang cái tên
Đồ tể, tập truyện viết về công việc và đời sống của những phận người ở vùng kinh tế mới miền Đông Nam Bộ, quanh những khu công nghiệp đủ thành phần công nhân và biết bao dịch vụ ăn theo đồng lương còm cõi của họ. Những kẻ tứ cố vô thân đời mới, những toan tính thiệt hơn đầy nông nổi, kiếm tiền xà xẻo từ đền bù đất đai đến móc ngoặc lừa đảo, cho vay hụi hoặc hiến thân hòng kiếm chỗ dựa sống qua ngày. Những người đàn ông đàn bà lao vào nhau bất kể trẻ già, như thể mất trí, mà cũng như để khỏa lấp nỗi cô đơn chiếm lĩnh tâm hồn họ nơi chẳng có gì cắm rễ lâu quá một đời người.
Tập truyện Đồ tể viết chủ yếu về một hiện thực của những năm gần đây, mang cái nhìn và nỗi ưu tư thời cuộc có tinh thần công dân rõ nét. Nguyễn Trí vẫn dựng cho những nhân vật chính diện của mình tính cách nghĩa hiệp, dành cho những người lương thiện những dòng cảm thông và hé một vài cảnh có hậu trong muôn vàn cảnh khổ. Một tay giang hồ làm công nhân sẵn lòng đứng lên phản đối chủ ngoại quốc coi thường thợ thuyền người Việt, chỉ đích danh những kẻ nịnh chủ hay ăn gian làm dối. Một người đẹp nghèo côi cút được “cả một rừng cánh tay dân ruộng đưa ra nâng đỡ” và “Linh chết nhưng cái đẹp không chết. Những đứa con Linh được chia cho ông bà ruột thịt chăm sóc… Dù có chuyện gì thì cái đẹp vẫn được bảo vệ”. Đó là nhận xét của nhà văn Lê Minh Khuê trong lời giới thiệu tập truyện - “Tác giả có lẽ cũng không ý thức được cuộc sống và tâm hồn mình dù xáo trộn phức tạp giằng kéo vẫn có một khoảng lớn lao dành cho sự thiện cho cái đẹp”.
Đó cũng là nét nổi bật của tập truyện có cái tên hóc hiểm nhưng lại giàu lòng trắc ẩn và nhân văn. Nhà văn Lê Minh Khuê nhận định, văn của Nguyễn Trí gọn và tỉ mỉ chi tiết, nhiều truyện có dung lượng tiểu thuyết. “Các tình huống mở ra rất nhiều lối đi và nhân vật thì ai có giọng ấy, rất ấn tượng”. Độ mãnh liệt của chi tiết đời sống đã làm nên một giọng văn trên con đường đi tìm sự thật của lẽ sống. Với tác giả, viết là một phương cách hơn cả sống. Với người đọc, Đổ tể hơn cả một tập truyện, nó là một đời sống.