Đây là cuốn tỉêu thuyết đầu tiên Đỗ Phấn dùng ngôi thứ nhất - “tôi”. Song không khác các cuốn khác là tác giả vẫn viết về Hà Nội, thành phố nơi anh sinh ra, lớn lên, chứng kiến những đổi thay từ hình hài đến giọng nói người, đến món ăn, cách người ta sống, làm việc, và yêu nhau.
Câu chuyện được dẫn dắt theo một giọng kể. Thành, một kiến trúc sư thôi làm công chức sở quy hoạch chuyển qua làm họa sĩ tự do. Vẽ tranh, có tiền, có bạn bè và những cuộc tình đều nồng nàn dù sâu đậm hay thoảng qua, nhưng sao không thấy vui... Có lẽ bởi ở những gì anh nhìn thấy.
Cuộc sống hiện đại, với nhiều giả dối hồn nhiên. Sao mà thành phố của mình cứ ngày một trôi đi đâu, và bao nhiêu đam mê, nhiệt huyết, ước mơ hồng hào ngày nào nay đã biến đâu mất, chỉ còn lại những toan tính, bất trắc; và những cuộc tình - nếu nó vẫn còn đẹp và chưa uể oải thì cũng là bởi người vẫn còn sót lại chút lịch lãm tử tế, hoặc là khao khát tử tế...
Đọc cuốn sách bạn sẽ thấy quý, bởi giá trị của một bức tranh hiện đại bằng văn chương.
“Có thể nói ít người theo đuổi, tha thiết với đô thị, nhìn nhận các vấn đề của đô thị một cách thấu triệt, mổ xẻ, tiên đoán, bắt bệnh cho nó nhiệt thành và tận cùng như Đỗ Phấn. Ở các tiểu thuyết của anh, người ta thấy một đô thị đang vỡ ra, đang bị cày xới, sục sạo trong cuộc chiến giữa phát triển và hệ lụy, giữa bản thể và những lai tạp nhố nhăng.
Đọc Đỗ Phấn, người ta cũng dễ hình dung đến những người của Hà Nội muôn năm cũ với những lịch lãm, phép tắc mà giờ đây với tầng lớp thị dân mới dường như đã trở nên xa xỉ. Những trang văn của anh dễ khiến người đọc nghĩ đến những kẻ lạc thời, luôn tin tưởng tuyệt đối và thành kính vào những giá trị đã được định hình, được vun đắp hàng trăm năm nhưng giờ đây bỗng trở thành những thứ giáo điều dành cho kẻ hoài cổ dở hơi rỗi việc…”- Nguyễn Xuân Thủy, evan