Cuốn sách mở đầu bằng các sự kiện trong tháng 1-1941, Nguyễn Ái Quốc ở làng Tân Khư (Tĩnh Tây, Quảng Tây, Trung Quốc), chuẩn bị cho việc về nước và ngày 28-1, Người lên đường về nước theo hướng Cao Bằng.
Về nước, Người đến hang Cốc Bó với bí danh Già Thu. Trong hồi ký “Bác Hồ đến bản tôi”, đồng chí Dương Đại Lâm kể lại những cảm nhận của mình lần đầu tiên gặp Bác: “… ông cụ có dáng bộ nhanh nhẹn, mắt long lanh sáng có ánh nhìn đầm ấm, tin cậy, bước ra tươi cười mời chúng tôi ngồi. “Ông Cụ” mặc một bộ quần áo chàm tay rộng, đầu để trần không khác một cụ già người địa phương. Bố con tôi mới gặp “Ông Cụ” lần đầu mà thấy như đã quen biết tự bao giờ… Riêng đối với tôi trên đường về hôm ấy, chân bước đi mà lòng cứ vấn vương ở lại, nơi này từ đó về sau trở nên có sức hút mạnh mẽ và thiêng liêng”.
Hồi ký “Chú Thu” của đồng chí Nông Thị Trưng kể lại: “… Sao Chú Thu lại đặt tên cho tôi là Trưng? Có lẽ chú muốn nhắc nhủ trong lòng tôi noi gương Bà Trưng, Bà Triệu là những phụ nữ anh hùng của dân tộc ta… Trước cảnh nhà tan, tôi mang nặng trong lòng nỗi buồn phiền gần như tuyệt vọng. Nhưng, từ lúc gặp Chú Thu, tôi lại cảm thấy như hươu non lạc rừng gặp mẹ. Chú đã trút giúp tôi hết gánh buồn phiền, khiến tôi tin tưởng vào tiền đồ cách mạng và mong muốn hoạt động nhiều hơn”.
Cứ như vậy, những sự kiện cụ thể, nối tiếp nhau từng ngày, từng tháng được đan xen bằng những suy nghĩ, cảm nhận của những con người, những tấm lòng kính yêu vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, những người được gần bên Bác trong suốt những năm tháng này, đã làm tái hiện một cách rõ nét hơn về cuộc sống, phong cách sống và làm việc của vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc nơi rừng Pác Bó. Qua những cách nhìn và cảm nhận của những con người khác nhau, chúng ta có thể hiểu một cách sâu sắc và toàn diện nhất về Người, Người không chỉ truyền đạt, dạy và giúp cho nhận thức về cách mạng của cán bộ ngày một mở rộng và sâu sắc thêm, mà Người còn là tấm gương sáng ngời giúp cán bộ trang bị cho mình những tác phong sinh hoạt lành mạnh, cải thiện, tăng gia cuộc sống, và đối phó với địch. Người dặn dò cán bộ kỹ càng làm sao để địch không lần ra dấu vết của ta, biết cách tận dụng những thứ xung quanh để có cuộc sống dễ chịu nhất, “tiện nghi” nhất…
Trang cuối cuốn sách là sự kiện ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trong cuộc mít tinh tại vườn hoa Ba Đình, Hà Nội. Sự kiện này ghi dấu một bước ngoặt lớn lao của dân tộc ta, là sự đền đáp xứng đáng cho những gian khổ, hy sinh mà nhân dân ta đã vượt qua, dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam.
Cuốn sách là một tài liệu tham khảo rất có ích cho bạn đọc nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời cũng là một đóng góp cho Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Ban Tuyên giáo Trung ương phát động. Sách do tác giả Đỗ Hoàng Linh biên soạn, gồm 296 trang, giá 40.000đ.
GIAO LINH