Cũng đã có nhiều truyện mở đầu là thân gái dặm trường, kết thúc là một số phận không may mắn, bi thảm. Trong truyện này, một cô gái học phổ thông trường huyện, học đại học ở Hà Nội, ra trường vào thành phố Hồ Chí Minh tìm vận may, không có bà con họ hàng thân thích, không có tiền, cũng không có tài nghề gì đặc sắc thì cái gian nan là cầm chắc. Nhưng cô ta không sợ, không kêu than, tự mình ứng xử với những khó khăn cô gặp phải. Tất nhiên cô có một tấm lòng tốt nên gặp được bạn bè tốt, ngay cái nhà cô đến ở trọ chỉ sau ít tháng họ đã coi cô như người trong gia đình. Cô bé lại chịu khó, không chê việc nhỏ. Việc gì cũng làm. Chưa làm tốt thì gắng làm cho tốt. Làm được nửa chừng phải thôi việc vẫn vui vẻ tìm một việc khác. Mình còn trẻ mà, thiếu gì cơ hội. Nhưng không phải là người ít nghĩ đâu nhá. Nhưng nghĩ gì thì nghĩ cô vẫn muốn “chạy đua với chính mình và sẽ thanh toán những mục tiêu phải đạt từng cái một”. Tôi vốn thích được biết những phân vân, ngơ ngác, những cái buồn vô cớ, cả những hoài nghi về tương lai, về tình yêu, về tình bạn của một số bạn trẻ mới bước vào đời. Nhưng được đọc những trang viết về một cô gái có nghị lực, thích hành động, hành động để lựa chọn, hành động để tự khẳng định, hành động với những mục tiêu rõ ràng, thú thật tôi vẫn thích hơn. Vả lại viết cũng hay nữa, câu chữ rất tươi, rất trẻ. Và đoạn kết thật khoan khoái: “Có lẽ hai anh chàng này khi cắt móng tay xong không có cái kiểu nhặt móng lên, bỏ vào lòng bàn tay, ngồi ngắm nghía, khều qua khều lại như tôi. Họ không đến nỗi quan trọng hóa cái “tôi” của mình quá đáng như tôi...” Không thèm mặc cảm, nhập một cách thẳng thừng vào mọi vai để tìm ra một lối đi vốn đã ở ngay dưới chân mình.”
(Lời giới thiệu của nhà văn Nguyễn Khải về LỐI ĐI NGAY DƯỚI CHÂN MÌNH (tác phẩm đạt Giải Nhì, Văn học tuổi 20 lần I, 1995)