Tóm tắt nội dung:Nhà văn Tô Hoài có lần bảo rằng viết cho tuổi thơ phải cố gắng đạt ít nhất hai điều: nghịch và đẹp. Tập thơ “Thời gian trốn ở đâu?” của Nguyễn Thái Dương đáp ứng hai yêu cầu đó. Tuổi thơ mà không nghịch thì đâu là tuổi thơ. Viết cho tuổi thơ mà nghiêm nghị thì sẽ mất vui, như viết cho “ông cụ non”. Phải có cái nhìn tinh nghịch mới thấy niềm vui ngày “hoàng thượng đi khai trường”: Người đâu, chuẩn bị… cơm sườn / Trẫm xơi rồi trẫm tới trường Mầm Non…
Và cái nghịch không tách rời cái đẹp. Vẻ đẹp của những giọt sương (Sương từng giọt một long lanh / Giọt tranh cành lộc, giọt giành nhụy mai).
Vẻ đẹp của tấm áo bà ngoại cắt may cho cháu (Nâng niu cất giữ từ hồi / Kìa vuông vải nhỏ thơm hơi tháng ngày).
Vẻ đẹp của dáng đi và tiếng rao của một bà mẹ nghèo (Mẹ giọng khản vai trầy / Từ tiếng rao, đôi gióng / Dù hẻm gầy nắng bỏng / Dù đường lầy buốt mưa)…
Nguyễn Thái Dương cả đời viết văn, làm báo cho tuổi thơ, tuổi trẻ. Thơ ông luôn giữ được nét trong sáng, nhân hậu và ân tình. Đó là suối nguồn sẽ còn tiếp tục chảy trong thơ ông, tươi mát những dòng chữ và tưới mát tâm hồn người đọc. – Huỳnh Như Phương.