Tác giả: Hồ Chí Minh
Số trang: 48 trang
Giá tiền: 7.000đ
"Tiết kiệm không phải là bủn xỉn, “không phải xem đồng tiền to bằng cái nong”, gặp việc đáng làm cũng không làm, đáng tiêu cũng không tiêu. Tiết kiệm không phải là ép bộ đội, cán bộ và nhân dân nhịn ăn, nhịn mặc. Trái lại, tiết kiệm cốt để giúp vào tăng gia sản xuất, mà tăng gia sản xuất là để dần dần nâng cao mức sống của bộ đội, cán bộ và nhân dân". “Muốn lúa tốt thì phải nhổ cỏ cho sạch, nếu không, thì dù cày bừa kỹ, bón phân nhiều, lúa vẫn xấu... Muốn thành công trong việc tăng gia sản xuất và tiết kiệm cũng phải nhổ cỏ cho sạch, nghĩa là phải tẩy sạch nạn tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu”. Đó là những câu nói có ý nghĩa đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong bài nói chuyện quan trọng về Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu vào tháng 3 năm 1952.
Nhằm phục vụ đông đảo nhu cầu của bạn đọc, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật xuất bản cuốn Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là bài viết rất súc tích, sâu sắc, giải thích những vấn đề thiết thực, đấu tranh không khoan nhượng với những thói hư, tật xấu, xử lý có lý, có tình. Trong tác phẩm, Người đã phân tích sâu sắc lợi ích của tiết kiệm và tác hại của các tệ nạn tham ô, lãng phí quan liêu đối với công cuộc xây dựng đất nước; đồng thời Người đã giải thích hết sức ngắn gọn và dễ hiểu về các vấn đề: Tiết kiệm là gì? Vì sao phải tiết kiệm? Tiết kiệm những gì? Ai cần phải tiết kiệm? Tham ô là gì? Lãng phí là gì? Thế nào là bệnh quan liêu?
Theo Người, muốn thành công trong thực hành tiết kiệm, phải tẩy sạch nạn tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu. Người chỉ rõ: Tham ô đối với cán bộ, đó là “ăn cắp của công làm của tư, đục khoét của nhân dân, ăn bớt của bộ đội, tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung của Chính phủ để làm quỹ riêng...”; đối với nhân dân, đó là “ăn cắp của công, khai gian, lậu thuế”. Còn lãng phí bao gồm nhiều mặt: lãng phí sức lao động, lãng phí thời gian, lãng phí tiền của, lãng phí của cải vật chất của nhân dân, của đất nước. Người còn chỉ rõ: “Tham ô có hại, nhưng lãng phí có khi còn hại nhiều hơn”. Người kết luận: “Tham ô là trộm cướp. Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ. Có khi tai hại hơn nạn tham ô”.
Bác đã chỉ ra nguyên nhân dẫn đến tham ô, lãng phí, đó là bệnh quan liêu: “Vì những người và những cơ quan lãnh đạo từ cấp trên đến cấp dưới không sát công việc thực tế, không theo dõi và giáo dục cán bộ, không gần gũi quần chúng. Đối với công việc thì trọng hình thức mà không xem xét khắp mọi mặt, không vào sâu vấn đề. Chỉ biết khai hội, viết chỉ thị, xem báo cáo trên giấy, chứ không kiểm tra đến nơi, đến chốn”. Bệnh quan liêu là chỉ gieo hạt vun trồng cho tham ô lãng phí nảy nở.
Từ sự phân tích sâu sắc những biểu hiện, bản chất, nội dung, nguồn gốc của tham ô, lãng phí, quan liêu, Người đề ra những biện pháp nhằm chống các căn bệnh tệ hại này một cách có hiệu quả.
Trong bối cảnh hiện nay khi toàn Đảng, toàn dân đang triển khai học tập, quán triệt và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), việc nghiên cứu bài nói chuyện của Bác về Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu cách đây 60 năm vẫn còn nguyên giá trị và rất cần thiết cho mỗi chúng ta.
Bùi Thu