“Tiếng dẻ cùi phía cây cơm vàng” – tập tản văn mới của Hoàng Việt Hằng – một nhà thơ nữ, một người đàn bà ưa dịch chuyển, có một đời sống tinh thần giàu có nhưng cũng đầy giông gió, gian truân.
Bứt phá trong và sau mỗi chuyến đi là in dấu những trải nghiệm của một người đàn bà giàu nghị lực, hăng hái sống; của một tấm lòng hồn hậu yêu đời, yêu người, dù đời sống không hẳn đã mỉm cười với chính mình. Khi vui, lúc buồn, khi hứng khởi hay thất vọng, Hoàng Việt Hằng đều có cảm hứng xách tay nải ra đi. Có chút tiền gom được từ nhuận bút những bài viết, bài thơ in trên báo, là bà lại lên đường. Không nề hà những khó khăn, gian nan, Hoàng Việt Hằng đi dọc ngang Bắc – Trung – Nam, trong nước – ngoài nước bằng bất cứ phương diện gì có thể, đơn giản và tiện dụng, miễn sao chạm đến được những mảnh đất mới, bởi bà linh cảm có nhiều nỗi niềm, nhiều thân phận... đang chờ đợi và mong ngóng mình. Giản dị thôi, đi để được nhìn, được chứng kiến, để thấm đến tận cùng nỗi cô độc của một con người; đi để cúi xuống, nhặt nhạnh, cảm thấu và bùi ngùi trước những mảnh đời nhỏ bé, mong manh còn trôi nổi, khuất lấp vào đâu đó trong bộn bề mênh mông của đời sống...
Tản văn Hoàng Việt Hằng nhẹ nhàng, mộc mạc mà đầy chất văn, dễ thấm vào lòng người. “Tiếng dẻ cùi phía cây cơm vàng” không chỉ mang lại cảm giác háo hức được thưởng thức những vẻ đẹp mới mẻ lấp lánh của thiên nhiên, cảnh vật và khơi gọi cảm hứng hành trình trong mỗi con người để khám phá và trải nghiệm. Hơn thế, người đọc còn cảm giác được sẻ chia rất nhiều từ những ý tưởng, hình ảnh, tâm tình trao gửi của tác giả trong mỗi bước chân, trên mỗi nẻo đường.