“Tiếng thở dài qua rừng kim tước là một tác phẩm xuất sắc của Hồ Anh Thái. Ðây là câu chuyện về những đứa trẻ chưa kịp sống đã phải chết vì món hồi môn sau này bố mẹ chúng phải trả. Hồ Anh Thái đưa người đọc vào một không gian ghê rợn, đầy âm khí. Mỗi đứa trẻ chết được đánh dấu bằng một cây kim tước. Chẳng mấy chốc, một rừng kim tước đã mọc lên. Nhưng cuối cùng, một trận cuồng phong đã quật đổ rừng cây. Cơn cuồng phong ấy như được góp bằng hơi thở của những người đàn bà đang sống. Màu sắc siêu thực phủ đẫm thiên truyện. Rừng kim tước oan nghiệt kia là một ẩn dụ nghệ thuật có sức biểu đạt lớn. Nó xoáy vào tâm trí người đọc một niềm nhức nhối: tại sao cái xã hội kia lại có thể thờ ơ đến thế trước số phận con người? “(Nguyễn Đăng Điệp, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, 2012) Những câu chuyện về vẻ đẹp như thực như hư của Ấn Độ được viết với giọng văn đẹp, tha thiết nhưng vẫn đủ khái quát sâu sắc, người đọc có thể biết rõ về đất nước này qua mỗi chân dung “Người Ấn”, hay từng tập tục, cảnh trí… Cuốn sách luôn được đánh giá cao trong sự nghiệp văn chương của Hồ Anh Thái ở trong và ngoài nước và ngay tại Ấn Độ từ khi ra đời cách nay gần 20 năm, cho đến nay.