Như chúng ta đều biết, nhìn vào văn học Việt Nam từ Đổi mới, có thể nhận thấy ba “làn sóng” của sự vận động và phát triển: nửa sau thập niên 80, thập niên 90 của thế kỷ XX và thập niên đầu của thế kỷ XXI. Trong số rất nhiều các tác giả thuộc làn sóng thứ nhất, những nhà văn từ trong nền văn học lãng mạn cách mạng tự làm mới mình để thích ứng với đời sống thế sự đời tư nhiều đớn đau dằn vặt, chúng tôi chỉ chọn vào đây hai đại diện: Ma Văn Kháng và Lê Minh Khuê. Với Ma Văn Kháng, nhất là với Lê Minh Khuê, truyện ngắn thực sự đã là một “nghiệp” của cuộc viết và cuộc đời. Đổi mới đã tạo thành một khúc quành trong sự nghiệp truyện ngắn của họ, nơi mà ở khúc sông phía trước, vẫn là lấp ánh phù sa lý tưởng, để chỉ trong một nhịp quành, trở mặn mòi bởi biết bao vị đời thô tháp. Truyện ngắn của họ, ở thời đổi mới, thực sự đã tạo nên một đứt gãy với cái nhìn về nghệ thuật và cuộc đời trước đấy, để hiện diện như một sinh thể khác, dù vẫn sinh trưởng từ cái thân gốc truyện ngắn của họ thời chiến tranh cách mạng]. Để lại rất nhiều những nhà văn đã sống trải trước và trong bước ngoặt Đổi mới như những người chứng cho một sự sinh thành mới mẻ, dù phần nhiều trong số họ là những người trực tiếp làm nên bước ngoặt Đổi mới, những Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Xuân Thiều, Lê Văn Thảo, Dạ Ngân, Nguyễn Quang Thân,… tuyển tập này tập trung vào những nhà văn sống trong tâm thức Đổi mới. Những nhà văn thuộc làn sóng thứ hai và thứ ba chiếm trọn những ưu tư này. Họ là thành quả thực sự của Đổi mới, sinh ra từ trong Đổi mới và sáng tác trong khí quyển mà Đổi mới mang lại. Tất nhiên, chọn lựa những nhà văn này không có nghĩa là chúng tôi xem nhẹ thế hệ nhà văn trước đó, mà chủ yếu hướng tới một mục đích: với truyện ngắn, có hay không, qua thế hệ những nhà văn này, tìm ra được chủ âm của văn học thời đổi mới và của sự đổi mới văn học. Tức điều gì đó làm cho văn học sau Đổi mới khác với văn học trước đó, và giả sử nếu văn học lúc này được cắt khúc, đặt riêng ra một chỗ, thì điều gì sẽ cố kết nó, cung cấp cho nó một diện mạo, một vài đặc trưng, để nó trở thành nó và có thể phân biệt với các khúc đoạn khác. Sự lựa chọn của chúng tôi luôn thường trực những cân nhắc này.
[...]
Như vậy thì, trong phối cảnh hiện đại vừa được hình thành và còn đang tiếp diễn ấy, nơi mà Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài vừa cấp cho một khởi nguyên, truyện ngắn tạo dấu ấn gì cho kiến trúc cảnh quan văn chương Việt? Chúng tôi muốn lược dẫn ở đây theo chiều vận động của thời gian và không gian mở ra từ Đổi mới mà truyện ngắn đã tạo dựng. Đoàn Lê, Nguyễn Quang Lập, Y Ban, Tạ Duy Anh, Nguyễn Quang Thiều, Bảo Ninh là những kiến trúc sư lứa đầu. Xuất hiện trên các diễn đàn Sông Hương, Văn nghệ quân đội, Văn nghệ, họ đã nhanh chóng khẳng định được ngòi bút của mình. Y Ban, Tạ Duy Anh, Nguyễn Quang Thiều đều định hình từ trong cuộc thi truyện ngắn 1989 của Văn nghệ quân đội, riêng Tạ Duy Anh còn để lại một dấu ấn khó nhòa bằng truyện ngắn xuất sắc Bước qua lời nguyền trên tuần báo Văn nghệ (1989). Cả ba nhà văn này đều viết rất khỏe sau đó, gặt hái nhiều thành công, trở thành những cây bút truyện ngắn vững chãi dù đặt bút ở nhiều thể loại. Hòa Vang, Hồ Anh Thái, Trần Đức Tiến, Cao Duy Sơn cũng xuất hiện cùng lúc này nhưng những tác phẩm để lại nhiều tiếng vang đều từ thập kỷ 90 trở đi. Cùng lúc với sự xuất hiện của một thế hệ nhà văn mới: Võ Thị Hảo, Trần Thùy Mai, Nguyễn Thị Thu Huệ, Võ Thị Xuân Hà, Phan Thị Vàng Anh, Phan Triều Hải, Lưu Sơn Minh, Nguyễn Việt Hà,… Ở đấy, những cây bút nữ đã để lại một ấn tượng sâu đậm về nữ tính và nữ quyền. Mỗi người một vẻ, họ đã làm thành một giai đoạn có thể nói là rực rỡ nhất của văn học giới nữ Việt Nam. Trong khi ở giới bên kia, cũng định hình những giọng văn hết sức độc đáo và mới lạ, nhất là trong cách mà họ ứng xử với xã hội và nghệ thuật. Sang thế kỷ XXI, trường hợp có giọng văn và sự xuất hiện độc đáo như trước không nhiều. Ngô Phan Lưu có lẽ là một trường hợp cá biệt. Nói sự xuất hiện cá biệt, đúng hơn là có chút lạ lùng của Ngô Phan Lưu, là do ông đã hiện diện một cách khác biệt không chỉ về mặt thế hệ mà còn về khí chất văn học so với những nhà văn trẻ xuất hiện trong thập niên đầu thế kỷ XXI này, với những Đỗ Bích Thúy, Phạm Duy Nghĩa, Nguyễn Ngọc Thuần, Đỗ Hoàng Diệu, Trần Nhã Thụy, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Danh Lam,… Những nhà văn trẻ này chia sẻ trải nghiệm về sự đổ vỡ của một xã hội tiêu dùng và sự lên ngôi của văn hóa đại chúng, trong khi ở Ngô Phan Lưu, truyện ngắn hầu như chỉ là việc ghi chép một mảnh đời sống thường nhật, cố nhiên là những mảnh đời giàu suy tư… Song vượt lên trên thế, tràn ra ngoài cái khuôn định cứng nhắc mà dung lượng một cuốn sách quy định, truyện ngắn Việt Nam thời đổi mới chắc chắn không chỉ có vậy. Có thể khẳng định mà không sợ quá lời rằng thành tựu của truyện ngắn Việt Nam đương đại là rõ rệt, phong phú, đa dạng và sâu sắc.
[...]
Sự thành công của truyện ngắn thời đổi mới, hình như cho thấy những kinh nghiệm lựa chọn thể loại đã lặp lại một lần nữa, trong cách truyện ngắn chiếm giữ vị trí thống soái trên văn đàn, như đã từng có ở cuộc tiếp xúc với thế giới bên ngoài mấy chục năm đầu thế kỷ XX. Người ta hay cắt nghĩa hiện tượng này dựa vào bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, ở phẩm tính ưa những cái đẹp nhỏ nhắn, hài hòa, tinh tế và/hoặc dựa vào tâm lý sáng tạo của nhà văn Việt Nam, cũng ở tài năng tỉa tót, đẽo gọt những cái đẹp nhỏ nhắn, hài hòa, tinh tế. Nhưng có một thực tế vượt lên trên những diễn giải mang nặng tính chất ý hệ như vậy: kết quả của nỗ lực làm mới ý thức và ngôn ngữ văn chương. Dấn thân xã hội hay thuần túy nghệ thuật hình như không đơn thuần xuất phát từ các trạng huống của quá trình đổi mới. Chính sự tham dự của nhà văn vào đời sống hiển hiện như một lựa chọn tất yếu/ ngẫu nhiên đã mở rộng biên độ nghệ thuật cho nhà văn trong việc đồng nhất hoạt động văn chương và hoạt động xã hội. Đó là một đặc điểm rất độc đáo của văn học từ Đổi mới. Và truyện ngắn đã làm tốt được điều này một phần cũng nhờ chính vào tính chất ngắn gọn và chụp bắt thời điểm của nó. Như những ngôi sao trên bầu trời đêm, truyện ngắn tỏa sáng lung linh bởi những suy tư về ý thức và ngôn ngữ. Nó là vật tự sáng nhưng cũng là vật rọi sáng, nó chiếu sáng cho nhau và bắt sáng từ nhau, dệt nên bầu trời tinh tú. Nên sẽ thú vị hơn nếu các bạn cũng tham gia vào trò chơi này như chúng tôi: chọn lấy cho mình những vì sao mà bạn cho là sáng nhất trong muôn vàn vì sao ấy. Khi ấy, tất nhiên, có thể sẽ có những lựa chọn trùng khớp, cũng có thể sẽ có những vênh chệch, do bởi vị trí quan sát có thể khác nhau, cái nhìn và tầm nhìn có thể cũng không giống nhau. Nhưng có một điểm chung trong suốt quá trình quan sát ấy, chúng ta được thụ hưởng vẻ đẹp mê hoặc mà bầu trời kia ban tặng./.
(Nhà nghiên cứu Đoàn Ánh Dương)