Tóm tắt nội dung:
Tuổi 18 - tuổi bẻ gãy sừng trâu, chính là tuổi khởi đầu cho một trang mới của cuộc đời. Trong truyện vừa “Như những bài ca”, Chu Quang Mạnh Thắng coi tuổi học trò là bản nhạc dạo đầu êm ái để mỗi người viết tiếp lên đó những bài ca thích hợp cho riêng mình. Có người tiếp tục con đường học hành, có người phải bươn chải vào đời vì miếng cơm manh áo…
Câu chuyện kể về một chàng trai vừa rời ghế nhà trường, với nhiều ước mơ, hoài bão và chút xao xuyến của tình cảm học trò trong sáng mới chớm nở như lá lộc non buổi sớm. Hoàn cảnh gia đình khiến Mạnh (nhân vật chính) phải gác lại ước mơ của mình để dấn thân vào cuộc sống khắc nghiệt, nhiều cạm bẫy. Lối dẫn dắt giản dị, tự nhiên nhưng chứa đầy chất “bụi”, dường như thấp thoáng chính hình ảnh của tác giả, đã đưa người đọc dõi theo từng bước đi, chia sẻ tâm sự với chàng trai trẻ trong cuộc mưu sinh vào đời. “Hắn” (danh xưng của tác giả với Mạnh) phải trải qua đủ loại nghề để kiếm sống, lăn lộn từ Bắc và Nam, nghề nào cũng phải va chạm, phải học hỏi. Nếu không có một tinh thần cầu thị và cái tâm trong sáng sẽ lập tức bị đào thải, thậm chí phải trả giá. Mạnh rút ra bài học về cách sống như thế nào cho yên tĩnh tâm hồn, giữ mình trước vô vàn cám dỗ:
“Thôi thì mình tay cứ nắm lấy tay
Học chim chóc cứ vừa bay vừa hót
Học dòng sông vừa trôi vừa dào dạt
Học bếp than hồng vừa cháy vừa reo”
Nghĩa là hãy bằng lòng và làm giàu có cho cuộc sống bằng chính những gì mình có-đó là thông điệp “Như những bài ca” gửi đến người đọc.