Vẫy vào vô tận là tập tùy bút chân dung học thuật, cuốn sách tiếp nối Chân trời có người bay (Nxb.Văn hóa Thông tin, 2002) tiếp tục giới thiệu với bạn đọc 17 chân dung các nhà văn hóa, nhà nghiên cứu có đóng góp to lớn vào con đường học thuật và tư tưởng của đất nước.
Nhan đề Vẫy vào vô tận lấy tứ từ câu thơ của Phạm Hầu trong Vọng Hải Đài: Giơ tay ta vẫy ngoài vô tận – Chẳng biết xa lòng có những ai. Mỗi chân dung trí thức được tác giả xem như một cái vẫy tay vào vô tận, “nhưng là cái vẫy tay của người bay ở chân trời”.
Mở màn cho những cái vẫy vào vô tận là Nguyễn Trường Tộ - nhà văn hóa tiêu biểu cho những “nghịch lý canh tân”. Đỗ Lai Thúy đã khá tinh tường khi chỉ ra bi kịch của Nguyễn Trường Tộ là bi kịch của “người viễn kiến”, tư tưởng trong hòa có đánh của nhà trí thức này có thể xem như một cuộc cách mạng mà kết quả cuối cùng hướng tới là làm thay đổi cả một hệ hình tư duy. Với Phạm Quỳnh, Đỗ Lai Thúy lại nhìn ra chân dung của một “ngọn gió Nam” đặt nền móng cho cuộc đối thoại Đông – Tây mà Trương Vĩnh Ký là người mở đầu.
Không bó hẹp phạm vi trong một không gian và thời gian nhất định, Đỗ Lai Thúy đưa vào tầm ngắm của mình cả những chân dung trí thức miền Nam, đó là Nguyễn Văn Trung – một nhà trí thức có thái độ dấn thân đặc biệt. Tác giả chỉ ra một cách rõ ràng tính chất đối thoại, trao đổi trong tác phẩm của nhà trí thức này, “không thể coi có một chân lý tuyệt đối, mà có nhiều chân lý”. Với những bạn đọc yêu thơ thì có thể tìm thấy sự hòa điệu trong chân dung của Đặng Tiến cùng “Những vũ trụ thơ”, “không phải nhà thơ nào cũng có vũ trụ thơ riêng của mình và cũng không phải nhà phê bình nào cũng có khả năng phát hiện ra vũ trụ ấy. Sự gặp gỡ của một nhà thơ đạt tới thi giới và một nhà phê bình trình hiện được thi giới đó tôi [ĐLT] gọi là hạnh ngộ”…
Với ý nghĩa đó, có thể thấy Đỗ Lai Thúy cũng có sự hạnh ngộ với 17 nhà trí thức Việt Nam qua Vẫy vào vô tận. Đọc tác phẩm, là chúng ta đang xem một bức tranh với 17 mảnh ghép, mà ở đó mỗi nhà trí thức đều hiện lên với đầy đủ cái “tâm”, cái “tài”, cái “thần”, với những cá tính, phong cách riêng nhưng lại cùng chung điệu để làm nên bức tranh về sự vận động trong hành trình tư duy của dân tộc.
Bạn đọc sẽ gặp lại bút pháp chân dung nhìn nghiêng, chân dung học thuật trong Vẫy vào vô tận, nhưng điểm độc đáo là nếu ở Chân trời có người bay, các vấn đề chủ yếu được triển khai theo chiều ngang, chiều xã hội, hữu thức thì ở đây ông lại phác họa các chân dung theo chiều dọc, chiều siêu thức, tâm linh. Do vậy, bạn đọc sẽ có cái nhìn tổng thể, đa chiều, đa diện hơn khi tìm hiểu về các chân dung học thuật này.
Vẫy vào vô tận là cuốn sách mang giá trị học thuật cao. Bởi lẽ, cùng với mỗi chân dung từng nhân vật, tác giả còn cung cấp cho bạn đọc một tiểu sử vắn tắt, danh mục các tác phẩm và đặc biệt là phần trích dẫn một phần chương sách, công trình nghiên cứu của họ để bạn đọc có thể cảm nhận trực tiếp về tư tưởng học thuật, tầm vóc tư duy của từng nhà trí thức đó. Do vậy, cuốn sách cũng là phương tiện hữu ích cho những bạn đọc muốn tìm kiếm những tư liệu có giá trị.
Với Vẫy vào vô tận, Đỗ Lai Thúy đã giúp chúng ta kết nối, đối thoại được với những thế hệ trí thức mang tầm văn hóa, thời đại. Đây thực sự là cuốn sách xứng đáng có mặt trong bộ sưu tập của những người quan tâm đến tư tưởng văn hóa Việt Nam và trong tủ sách của mọi gia đình.
Thông tin về tác giả
Nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy sinh năm 1948, hiện đang sống và làm việc tại Hà Nội.
Những cuốn sách đã xuất bản:
-Mắt thơ (Phê bình phong cách Thơ mới), NXB Lao động, 1992
-Hồ Xuân Hương hoài niệm phồn thực, NXB Văn hóa Thông tin, 1999
-Chân trời có người bay, NXB Văn hóa Thông tin, 2002
-Nghệ thuật như là thủ pháp, NXB Hội nhà văn, 2001
-Phân tâm học và văn hóa nghệ thuật, NXB Văn hóa Thông tin, 2000
-Sự đỏng đảnh của phương pháp, NXB Văn hóa Thông tin, 2004
-Bút pháp của ham muốn, NXB Tri thức, 2009
-Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy, NXB Hội nhà văn, 2010