Thần Chú Thành CôngTác giả: Virender Kapoor
Nhà xuất bản: NXB Lao Động
Số trang: 330
Khổ giấy: 14.5 x 20.5cm.
Có 93 lượt xem, từ ngày 29/03/2014
Giá bán:
79.000 đ (79.000 đ)
Trọng lượng: 360g
Tác giả: Virender KapoorBìa mềm. Xuất bản tháng 02/2014. NXB Lao ĐộngSố trang: 330. Kích thước: 14.5 x 20.5cm. Cân nặng: 360 gr
Số lượng:
Giá bán sản phẩm này: 79.000 đ
0 người mua
Đây là cuốn sách về cảm xúc, thái độ, động lực, sự thỏa mãn và thành công. Dựa trên nền tảng của Trí Thông Minh Cảm Xúc, cuốn sách chú trọng vào những bản năng quan trọng của con người có ảnh hưởng lên thành công và sự thỏa mãn. Ngày nay các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những phẩm chất này là thứ đã tạo nên những nhà lãnh đạo xuất sắc trên tất cả mọi phương diện của cuộc sống. Cuốn sách đem đến những nguyên tắc mang tính thực tiễn mà bạn có thể tự liên hệ chúng vào trong cuộc sống hàng ngày của chính mình. Thay vì đề cập, mổ xẻ Trí Thông Minh Cảm Xúc một cách cứng nhắc và khô cứng, vấn đề này đã được nhắc một cách thực tế, nhẹ nhàng và dí dỏm nhưng vẫn không làm lu mờ đi tính cấp thiết của nó. Cuốn sách sẽ làm bạn phải suy ngẫm về những ưu nhược điểm của bản thân. Hơn thế nữa, nó còn thúc giục bạn trau dồi điểm tích cực và nâng chúng lên thành lợi thế cho mình. Trong thời gian xác định điểm mạnh và trau dồi chúng, bạn có thể đạt được đến mức độ tới hạn của những thói quen tốt cần thiết để vươn tới thành công. Hãy nhớ, ai cũng có thể thay đổi vào bất cứ khoảng thời gian nào trong đời. Cuốn sách này sẽ dẫn bạn đến sự thay đổi đó. Cuốn sách này viết nhiều về sự thỏa mãn hơn thành công, bởi thỏa mãn chính là mức độ cao nhất của thành công. Nếu hiểu được nguyên lí đó, thành công sẽ đến với bạn bằng cách này hay cách khác.
Cuốn sách này cũng viết về trí tuệ và những quan niệm của con người. Chúng ta đã có được trí tuệ, tuy nhiên cần phải thay đổi từ trong quan niệm của chính mình. Thông minh mà đi kèm với quan niệm sai lầm thì cũng chẳng có ích gì. Cuốn sách sẽ giúp bạn thay đổi lối quan niệm xưa cũ. Như mọi người, cá nhân tôi cũng đã từng trải qua những khoảng thời gian khó khăn và thuận lợi, về mặt cảm xúc thì tôi cũng yếu ớt như ai. Tôi đã từng có những nỗi buồn đau, sự vui sướng, những thắng lợi và những lần thất bại. Vì vậy bất cứ khi nào thích hợp, tôi đều chia sẻ những kinh nghiệm của mình. Tôi tin vào con người, và đến 95% khoảng thời gian trong đời, chưa từng có ai khiến tôi phải thất vọng với niềm tin ấy. Dù vẫn có 5% trường hợp họ khiến tôi thất vọng nhưng tôi vẫn cứ đặt niềm tin vào con người. Cuốn sách này sẽ giúp bạn xây dựng niềm tin giữa người với người và niềm tin vào các tổ chức.
Trong thời buổi khó khăn hiện nay, thứ chúng ta cần là sự cân bằng giữa trái tim và cái đầu – để có được những phản ứng thích hợp trước mọi tình huống và con người. Cuốn sách này sẽ nói về các kĩ năng giao tiếp – đối phó với con người. Nội dung cơ bản của cuốn sách gói gọn những cách để tối ưu hóa cảm xúc của chúng ta. Bản thân tôi đã áp dụng những nguyên tắc cơ bản đã được kiểm chứng qua thời gian, những nguyên tắc đã được những con người kiệt xuất sử dụng từ bao đời nay như những điểm sáng dẫn đường. Chúng là những nguyên tắc phổ biến khắp thế giới và có tính khả thi cao cho tất cả mọi người.
"Chỉ có người thông thái nhất và kẻ ngu dốt nhất là không bao giờ thay đổi."
Về tác giả
Virender Kapoor là một diễn giả, tác giả, nhà giáo dục và nhà quản lý nổi tiếng. Là nhà giáo dục uy tín, ông từng là giám đốc Học viện Quản lý, sau đó ông mở Viện Quản lý dành cho các nhà lãnh đạo đặt trụ sở tại Pune (Ấn Độ). Từng viết sách về viễn thông và hệ thống thông tin trong những năm 1990, nhưng sau đó ông tập trung hướng vào những vấn đề như trí tuệ cảm xúc, nghệ thuật lãnh đạo và tự thúc đẩy bản thân. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng, trong đó có Heart over Matter: Your Mantra for Success.
Trích đoạn
“Nếu bạn là người sở hữu khiếu hài hước thì chắc chắn đó là một điểm cộng vào hiệu năng làm việc của bạn cũng như năng suất của cả công ty rồi đấy. Xét ở khía cạnh cá nhân, tính hài hước sẽ giúp con người xoa dịu sự căng thẳng, thậm chí còn tạo ra những phản ứng tích cực trong môi trường kinh tế dựa trên các loại hình dịch vụ như ngày nay nữa.
Với loại hình kinh tế chủ yếu dựa vào công nghiệp như những năm trước đây, tiếng cười và sự hài hước bị coi là tốn thời gian và không làm tăng năng suất. Ở nơi làm việc, bạn cần phải tỏ ra nghiêm túc, nhìn nhận mọi việc một cách nghiêm túc và hành xử một cách nghiêm túc, nếu không, sẽ chẳng ai cho bạn là một người nghiêm túc với công việc. Đó là đặc điểm của ngành lao động một thời. Vào những năng 1940, cười là một điều cấm kị trong rất nhiều công ty. Một viên quản lí xưởng thậm chí còn bị mất việc ở hãng Ford Motor chỉ vì anh ta bị bắt gặp đang mỉm cười trong giờ làm việc! Cười trong giờ làm việc vào thời bấy giờ cũng tương tự như hành động ăn cắp vào thời bây giờ vậy.
Còn ngày nay, chúng ta được khuyến khích sử dụng khiếu hài hước trong môi trường làm việc. Hãy thử áp dụng trí hài hước của bạn vào trong một bài diễn thuyết một cách đúng lúc, đúng chỗ mà xem, bạn sẽ phải bất ngờ trước tác dụng mà nó mang lại. Hãy vận dụng tính hài hước một các thích hợp vào trong các bài giảng, các buổi nói chuyện, nó sẽ thu hút được sự quan tâm chăm chú của người nghe. Tôi đã từng thấy nhiều nhà diễn thuyết và hùng biện sử dụng kĩ năng này một cách nhuần nhuyễn khiến người nghe phải hồi hộp chờ đợi, hăng hái tham gia và hoàn toàn chủ động với câu chuyện của mình. Bạn cũng có thể vận dụng nó vào trong các buổi phỏng vấn – theo một cách nhẹ nhàng và tinh tế để nó có thể phát huy được tính tích cực. Thực tế cho thấy những ứng viên có khả năng làm cho người phỏng vấn mỉm cười một đến hai lần trong quá trình hỏi đáp sẽ có nhiều cơ hội lọt vào vòng trong hơn là những người chỉ ngồi đó với bộ mặt ủ rũ hay cau có. Sự hài hước cũng được dùng trong những tình huống cần giải tỏa mâu thuẫn và các cuộc tranh luận. Hãy vận dụng nó nhiều hơn để tránh mắc phải các tình huống khiến sự việc trở nên gay gắt hơn. Áp dụng khiếu hài hước vào trong môi trường xã hội, bạn nhất định sẽ trở thành người chiếm được nhiều cảm tình và mong đợi từ phía mọi người. Thử nghĩ xem, ai lại muốn mất cả một buổi tối với một gã ngốc khi mà họ có thể lựa chọn ngồi với một người vui tính? Nhưng đừng bao giờ thử dùng sự hài hước của mình vào việc chế nhạo người khác. Cười vào mặt ai đó, đem ai đó ra làm trò cười chỉ thể hiện Trí Thông Minh Cảm Xúc của bạn thấp dưới mức bình thường. Điều tồi tệ nhất là hành động này có thể khiến đối tượng bị tổn thương, dẫn đến đổ vỡ mối quan hệ. Cuối cùng thì bạn sẽ là người phải hứng chịu hậu quả.
Hãy nhớ rằng, sự hài hước thích hợp không khiến bạn mất một xu nào mà ngược lại còn đem đến cho bạn những người bạn mới, thiện chí từ mọi người và thêm phần vui vẻ cho cuộc sống.
Ngoài ra tôi cũng muốn nói thêm rằng, trong một xã hội khó khăn như hiện nay thì việc có những thú vui và giải trí lành mạnh là một phần không thể thiếu trong hành trang cuộc sống. Đôi khi chỉ cần những cuộc đi dạo, tản bộ, chuyến dã ngoại cùng gia đình, xem một bộ phim, chơi một trò chơi, ca hát, nhảy múa là đủ để bạn có được một đời sống khỏe mạnh về tinh thần.
Tuy nhiên hãy nhớ đến những điểm dừng khi mọi việc đang bắt đầu vượt quá tầm kiểm soát. Đừng vì quá mải mê theo đuổi công việc và các hoạt động trong cuộc sống mà quên đi mất rằng chúng ta cần có những điểm dừng. Điều quan trọng là những người trong cuộc cần hiểu rằng đôi khi bạn bè hay người thân xung quanh ta cũng cần một điểm dừng.
Tôi đã từng làm việc với một ông chủ mà ngày nào ông ấy cũng thấy tôi ra sức làm việc. Ông quan sát hành vi của tôi trong một thời gian, cho đến một ngày ông gọi tôi lại và nói, ‘Cậu nên nghỉ ngơi vài ngày đi.’ Tôi đáp lại rằng mình chưa muốn nghỉ phép bởi chẳng có lí do gì khiến tôi phải làm như thế. Nhưng ngay sau đó ông ấy đã giải thích cho tôi hiểu rằng tôi cần phải nghỉ ngơi bởi những ngày vừa qua quá căng thẳng. Theo lời ông chủ, tôi đã xin nghỉ phép vài ngày và đúng là kì nghỉ đã khiến tôi cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều. Sau đợt nghỉ, tôi trở lại làm việc và thấy hoàn toàn dễ chịu, sẵn sàng làm việc hết mình.
Vậy có bao nhiêu người trong số chúng ta làm được điều mà người chủ đó đã làm? Bao nhiêu người có thể tự mình nhận ra rằng bản thân họ cần một kì nghỉ?
Hãy nhớ, niềm vui và tiếng cười là thứ thuốc bổ quí giá nhất, thứ thần dược giúp xoa dịu tâm hồn mỗi người.
Lòng trắc ẩn
Những người thường chỉ suy nghĩ bằng cái đầu mà không dùng đến trái tim cho rằng lòng trắc ẩn đơn giản chỉ là một sự yếu đuối. Những người này nhìn nhận mọi việc, hoàn cảnh và con người theo chủ nghĩa thực dụng và cho rằng trong một thế giới mà người ta trọng sự ganh đua, phân tích và tư duy logic như hiện nay, cảm xúc chẳng có chút giá trị nào cả. Họ sợ rằng nếu để lộ ra lòng thương cảm, họ sẽ có thể bị xếp vào tầng lớp nhút nhát và yếu đuối.
Mặt khác, lòng trắc ẩn đòi hỏi con người phải có một tấm lòng bao dung độ lượng. Biết tha thứ và quên đi lỗi lầm là một trong những đức tính của người dẫn đầu, cũng là thái độ của kẻ chiến thắng. Có lòng trắc ẩn, bạn sẽ có được sự tôn trọng và trung thành vô điều kiện từ những người khác. Cả trong Bhagwad Gita, Kinh Thánh hay Kinh Phật đều dạy về lòng trắc ẩn. Những người có lòng thương cảm thường thể hiện sự khoan dung độ lượng của mình trong những tình huống khó khăn. Họ không bao giờ đổ trách nhiệm từ thất bại của chính mình lên người khác, họ luôn sẵn sàng nhận trách nhiệm trong bất cứ công việc nào họ làm.Trên thực tế, cảm xúc của họ nằm trên một tầng cao hơn hẳn những người khác. Lòng trắc ẩn không chỉ là điểm nổi bật duy nhất của những nhà hiền triết – mà có thể trở thành nguồn sức mạnh của mỗi người. Lòng trắc ẩn sẽ biến đổi con người qua những nỗi đau mà nó xoa dịu. Muốn thực hành được điều này, một người cần phải đạt đến độ chín muồi về cảm xúc, kinh nghiệm và kiến thức về cách thức ứng xử với con người và đánh giá tình huống một cách toàn diện. Tôi khẳng định với bạn rằng, cho dù chúng ta đang sống trong một thế giới trọng vật chất đi chăng nữa, bạn hoàn toàn có thể thể hiện tình thương người mà vẫn tận hưởng cuộc sống một cách ý nghĩa. Bởi theo bản năng, con người sẽ tìm đến lòng trắc ẩn.
Đôi khi thật khó để có thể chọn lựa giữa việc thể hiện lòng thương hay bỏ đi. Nhưng dù bạn có quyết định như thế nào đi nữa, hãy lắng nghe trái tim mình trong những tình huống như vậy. Và đừng quên rằng – ai cũng dễ dàng chọn lựa bỏ đi hơn.
‘Trong Kinh Thánh, những phần tôi chưa hiểu không làm tôi bận tâm bằng những phần tôi hiểu.’ – Mark Twain
Cảm xúc trong sự giao thoa văn hóa
Văn hóa của từng tổ chức luôn có những tác động sâu sắc về mặt cảm xúc tới mỗi thành viên của nó. Trường học, đại học, các công ty, lực lượng quân đội, thậm chí là mỗi quốc gia đều có những nền tảng văn hóa riêng được xây dựng và phát triển vững chắc qua thời gian. Ở trong môi trường của tổ chức nào, con người thường hòa mình vào trong văn hóa của tổ chức ấy. Đó là cảm giác khi chúng ta thấy mình thuộc về một nơi nào đó, cũng là thứ yếu tố đóng vai trò quan trọng giúp văn hóa tổ chức càng lan rộng và bền vững hơn.
Một cậu sinh viên đỗ vào một trường kinh tế có tiếng. Sau một học kì dài sáu tháng, cậu tự tin trở về nhà, trong lòng đầy nhiệt huyết và chắc chắn. Tuy rằng bảng thông báo kết quả học tập tốt là một phần khiến cậu tự tin, nhưng phần lớn lí do là bởi vì cậu cảm thấy tự hào vì mình là một thành viên trong nhóm những người đứng đầu của một trường đại học danh giá.
Trường học thường tổ chức những buổi gặp mặt thường xuyên giữa các cựu học sinh để nhắc nhở với họ rằng, ‘Bạn vẫn đang là một thành viên của trường.’ Không có lực lượng quân đội nào trên thế giới lại không có những cuộc hội ngộ giữa các chiến binh và cựu chiến binh để củng cố tình đồng đội và mối dây liên kết cảm xúc giữa mọi người. Những buổi họp mặt này thường tràn ngập cảm xúc của hoài niệm về một thời chiến đấu bên nhau cùng những kỉ niệm thấm đượm tình cảm. Cả trong một quốc gia rộng lớn như Ấn Độ cũng vậy, bất kì binh sĩ nào khi đi vào các khu vực đóng quân cũng đều cảm thấy an tâm như đang được ở nhà. Anh ta biết rằng mình sẽ được chào đón và quan tâm chăm sóc. Những phong tục và các tập quán văn hóa này đã trở thành những mối dây kết nối cảm xúc giữa người với người. Nó thúc đẩy họ liều mình tiến lên để đưa những người đồng đội bị thương trở về từ trong bãi mìn, sẵn sàng băng qua lửa đạn để đến hỗ trợ đồng đội, quyết tâm giơ cao lá cờ tổ quốc và thậm chí không ngại ngần hi sinh tính mạng mình. Nếu các tổ chức kinh doanh có thể xây dựng được niềm tin và cảm giác gần gũi, thân thiết đến vậy thì nó có thể tạo ra một nguồn năng lượng phi thường thúc đẩy hiệu suất làm việc của nhân viên tăng vọt. Muốn vậy thì không gì khác hơn là hãy vận dụng Trí Thông Minh Cảm Xúc. Các lực lượng quân đội đã thành công trong việc tạo dựng được cảm giác gần gũi, thân thuộc như vậy là nhờ hai lí do căn bản. Thứ nhất, điều quan trọng nhất là phải khiến cho mỗi một cá nhân trong nó cảm thấy tự hào và kiêu hãnh về đơn vị mà mình phục vụ. Thứ hai, phải thúc đẩy mọi người thường xuyên tham gia vào các hoạt động theo nhóm. Những tổ chức nào muốn nhân viên của mình có được cảm giác thân thuộc, gần gũi cần phải tiến hành cả hai cách làm trên một cách nghiêm túc. Tuy rằng có thể không đạt được đến sự thân thiết gắn bó, sẵn sàng hi sinh vì nhau như trong các lực lượng quân đội, nhưng chỉ cần một phần của mối dây liên kết đó thôi cũng đủ làm nên sự khác biệt rõ ràng.
Mỗi binh sĩ trong quân đội đều ý thức rất rõ rằng họ là những người bảo vệ cho nhân dân, cho đất nước mình. Đây cũng chính là động lực thúc đẩy lớn nhất cho sự chiến đấu của họ. Tuy các nhân viên trong những tổ chức phi chính phủ có mức lương không bằng một phần tư mức lương trong các doanh nghiệp nhưng bù lại, họ cảm thấy có động lực dể làm việc hơn hẳn, bởi mọi người đang cùng nhau hướng tới một mục đích cao cả.
Tương tự, các nhiệm vụ, tầm nhìn, mục đích của mỗi tổ chức cần thể hiện rõ vai trò đóng góp của từng thành viên đối với xã hội dù là trực tiếp hay gián tiếp, thông qua việc đạt được các mục tiêu của tổ chức.
Lấy ví dụ một công ty sản xuất thuốc cần phải làm cho mỗi nhân viên của mình hiểu được rằng họ đang giúp ‘chữa lành vết thương’ cho xã hội qua việc làm việc cho một công ty chuyên về thuốc như vậy. Điều đó sẽ giúp công ty tạo dựng thứ động lực thúc đẩy con người ở mức tình cảm và cảm xúc chứ không chỉ dừng lại ở mặt vật chất.
Việc này cũng sẽ giúp cho các tổ chức nâng cao mức độ của Trí Thông Minh Cảm Xúc nói chung. Tuy rằng phương pháp này cần thời gian để tạo ra sức ảnh hưởng của nó, nhưng đó sẽ là một phương thức bảo đảm chắc chắn gia tăng động cơ thúc đẩy nhân viên làm việc trong những tổ chức này. Ngoài ra, các nhân viên cũng sẽ có xu hướng gắn bó lâu dài hơn.
Khiêm tốn
Những người đạt được nhiều thành tựu luôn tự hào về sự thành công của họ, tại sao không chứ? Bạn đã làm việc vì nó, đạt được nó và giờ bạn hoàn toàn có thể tự hào về nó. Hãy thấy tự hào về những gì bạn làm, và hãy làm những việc khiến bạn tự hào. Đó chính là động lực cơ bản trong mỗi con người. Những ai đánh đồng niềm tự hào với sự kiêu ngạo thì họ đã sai lầm một cách trầm trọng.
Tự trọng và sự kiêu ngạo thường hay đi đôi với nhau. Một người quá đề cao cái tôi cá nhân thường hay khoe khoang về những thành tựu của mình và cố gắng cho càng nhiều người biết càng tốt. Họ muốn mình trở nên to lớn trong mắt mọi người và làm cho những người khác cảm thấy mình chẳng bằng được một góc của họ. Kết quả là, tất cả những gì họ vừa đạt được đã nhanh chóng bị lãng quên bởi chính thái độ kiêu căng ngạo mạn ấy. Người ta có xu hướng tẩy chay những người kiêu căng, và đem những kẻ hay khoe khoang ra làm trò cười.
Nhớ rằng, những gì bạn đạt được luôn được bạn bè, đồng nghiệp, những người thân của bạn nhìn nhận và ủng hộ. Vậy nên chẳng có lí do gì để bạn phải làm nhặng lên về những thành tích đó. Hãy tỏ ra khiêm tốn, nhún nhường và tự hào về mình, đó chính là dấu hiệu cho thấy bạn có một nhân cách tuyệt vời và một tinh thần mạnh mẽ. Rất nhiều người thành đạt và xuất chúng là những người khiêm tốn.
Trên thực tế, chính sự khiêm tốn của họ lại càng khiến họ trở nên thành công hơn trong mắt mọi người. Họ là những người thân thiện, hòa đồng, chủ động, trên hết là luôn đánh giá rất cao sự cố gắng nỗ lực của người khác.
Xem xét lại một lượt những kĩ năng kiểm soát cảm xúc được đề cập đến từ đầu đến giờ, cá nhân tôi cho rằng đây là điều mà con người dễ dàng học hỏi nhất. Khiêm tốn sẽ giúp bạn chỉnh lại âm sắc và thổi lên tiếng kèn trumpet réo rắt của mình. Nếu bạn thấy mình vốn không phải là người khiêm tốn cho lắm, thì chí ít cũng hãy tỏ ra rằng mình đang khiêm tốn – và đó là điều quan trọng. Một khi bạn thôi không ba hoa về bản thân thì bạn hoàn toàn có thể chắc chắn rằng mọi người sẽ tôn trọng bạn hơn lúc này. Khiêm tốn là khi bạn biết mình ở đâu, khả năng của mình đến đâu, nhưng không quá mải mê nói về điều đó.
‘Họ tự hào trong sự khiêm nhường, tự hào rằng họ đã không quá tự hào.' Sản phẩm liên quan
|
Đăng nhập Sách
Hỗ trợ trực tuyến
Dữ liệu đang cập nhật...
Địa chỉ liên quan Top thành viên Thống kê truy cập
|
Hiệu sách Online
Bản quyền thuộc Công ty Cổ phần truyền thông Văn Hóa Việt - 173 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội. Giấy phép đăng ký Kinh doanh số 0102732228 cấp ngày 24/04/2008 tại Sở Kế hoạch & Đầu tư thành phố Hà Nội.
Người đại diện: Ông Đỗ Việt Trung
Điện thoại:
Email: info@hieusach.vn