“Tôi thích tiểu thuyết đặt ra nhiều câu hỏi”

10:53:00 12/10/2014
TTCT - Chất hóm hỉnh biểu hiện rõ nét ở nhà văn sinh năm 1971 được gọi là tác giả văn học dành cho giới trẻ, dù anh tự nhận rằng “viết cho mọi lứa tuổi, giống như xe chạy mọi địa hình”.
Nicolas Ancion
Nicolas Ancion

Với Chuyện tầng 5, Nicolas Ancion đến với độc giả Việt Nam thông qua những cuộc gặp gỡ mà anh đánh giá là rất thú vị. Anh đã dành cho TTCT cuộc trò chuyện trước khi về Bỉ.

* Anh đã viết nhiều tác phẩm, trong đó mới nhất và cũng thời sự nhất là L’homme qui valait 35 milliards (Người đàn ông trị giá 35 tỉ). Vì sao Chuyện tầng 5 được giới thiệu đầu tiên, dù nó phát hành tại Bỉ cách nay đã 14 năm?

- Sau khi đọc qua nhiều tác phẩm của tôi, Nhã Nam đã quyết định chọn Chuyện tầng 5 (bản tiếng Pháp là Quatrìeme étage). Tôi nghĩ lựa chọn này có lẽ xuất phát từ câu chuyện tình mang chút lãng mạn, dù tiểu thuyết này không chỉ có thế.

* Trong Chuyện tầng 5, khi Serge tìm đến ông chú của người bạn để báo tin cái chết của anh này, người đọc trông chờ Serge làm điều đó nhưng lại bị dẫn dắt vào câu chuyện Serge chấp nhận giúp đi sửa ống nước... Liệu có phải đó là yếu tố bất ngờ mà anh muốn tạo ra trong lúc độc giả nghĩ đến một diễn tiến hợp lý, như anh từng nói trong buổi họp báo ngày hôm trước?

- Khi bắt đầu Chuyện tầng 5, tôi biết mình muốn viết gì, đó là cú sét ái tình của hai người trong nhà tắm. Vì vậy tôi muốn nhân vật chính là người sửa ống nước, hay đúng hơn là làm thay chuyện này bởi đó không phải là nghề của anh ta. Tôi nghĩ diễn tiến trên là hợp lý vì đó là mạch truyện của tôi.

Nhưng song song đó, tôi muốn đưa độc giả vào những ngã rẽ khác, chẳng hạn Serge lẽ ra có thể bị cảnh sát bắt vì sử dụng xe cảnh sát để đi báo hung tin.

* Anh có nói rằng viết tiểu thuyết không phải để truyền đi một thông điệp, mà làm bật lên những cảm xúc, ý tưởng mới... Vậy đó là gì trong Chuyện tầng 5?

- Trước hết, câu chuyện diễn ra ở Bruxelles, trong đó các nhân vật nói về nơi mình sống. Thời điểm đó, Bruxelles trở thành thủ đô văn hóa của châu Âu trong thiên niên kỷ mới, với lễ hội khắp nơi.

Vì sống ở đây nên tôi muốn viết về một Bruxelles thật sự như thế nào, nó không giống những gì được giới thiệu trong các tài liệu in đẹp phục vụ du lịch. Đó là cuộc sống đơn giản của người dân cùng những vấn đề phức tạp. Liệu đây có phải là một thông điệp? Thật khó nói. Người viết chỉ thể hiện điều mình muốn, còn chuyện ra sao thì...

* Không ít bạn đọc ở Việt Nam phấn khích theo dõi cuộc viết marathon 24 giờ của anh ở Hà Nội và TP.HCM để hoàn thành Cơn hoảng loạn thoáng qua (*). Làm thế nào mà trong thời gian ngắn như vậy anh có thể đưa vào đó những chi tiết rất đặc trưng như việc tìm cách chạy xe ngược đường ở Hà Nội, uống bia 333 ở TP.HCM, trái sầu riêng và mùi khó chịu của nó...?

- Ở đây có rất nhiều điều. Trước tiên, tôi đã đến Việt Nam cách đây hai năm, lưu trú gần một tháng ở miền Nam, từ đảo Phú Quốc, ra Huế và Hà Nội. Tôi đã di chuyển bằng xe buýt, như một du khách cảm nhận cuộc sống ở Việt Nam, sự khác biệt giữa đời sống nông thôn và thành thị. Nhưng khi viết, tôi đã đánh lừa bằng ngôn từ.

Khi liệt kê vài địa điểm, tôi nghĩ rằng hẳn người đọc nhận ra nó ở đâu nhưng tôi không nói rõ tên nó. Khi viết lon bia 333, tôi không đi vào chi tiết so sánh nó ngon dở như thế nào so với bia Jubilale của Bỉ. Tôi chỉ việc viết và bạn cảm nhận được mình trong đó.

Chẳng hạn khi tôi dùng từ “cửa” trong câu “anh ta mở cửa”, bạn sẽ hình dung cửa như thế nào, có nắm tay hoặc ổ khóa hay không, khác với cánh cửa mà bạn đọc ở Bỉ hay Thổ Nhĩ Kỳ cảm nhận. Từng người sẽ sản sinh ra hình ảnh cánh cửa trong đầu mình. Thật tuyệt vời khi người viết và người đọc có thể cộng tác với nhau.

* Trong lúc viết marathon 24 giờ, anh xử lý ra sao bình luận của độc giả theo dõi diễn tiến câu chuyện?

- Đa số là những lời động viên. Vài người cung cấp cho tôi chi tiết, chẳng hạn một nữ độc giả Việt Nam bảo rằng viết “chưa bao giờ thấy Hà Nội hoang vắng như thế” là không đúng, vì sau 11g đêm là Hà Nội vắng như sa mạc rồi. Thế là tôi sửa lại. Đây là sự cộng tác rất thú vị. Tôi tiếp nhận ngay phản hồi của độc giả Pháp ngữ ở Việt Nam, Pháp, Canada, Thụy Sĩ...

Nhưng với những bình luận bằng tiếng Việt thì tôi chịu, vì hai người phiên dịch phải làm việc cùng lúc. Rất có thể họ có những góp ý hay mà tôi không biết được.

* Khi theo dõi phần đầu anh viết ở Hà Nội, một đồng nghiệp cho rằng cuộc sống có thể diễn ra nhanh, nhưng nhà văn cần có thời gian để tránh những sai sót. Anh nghĩ sao về điều này?

- Hiển nhiên viết một tiểu thuyết trong 24 giờ hoàn toàn khác với một tiểu thuyết hoàn thành trong hai năm và người đọc hẳn không trông chờ một kết quả như nhau. Khi viết trong 24 giờ, tôi muốn lôi kéo độc giả đi cùng với mình và hào hứng theo dõi diễn tiến câu chuyện, trong đó tôi chen vào những điều nho nhỏ mà tôi muốn nói, tận dụng được ưu thế là độc giả đang chờ đón mình sẽ làm gì tiếp theo.

Đối với một tiểu thuyết viết trong thời gian dài, tôi không viết vội vì biết rằng độc giả tin tưởng mình, đọc tiểu thuyết trong một cuốn sách chứ không phải trên một màn hình. Khi đó, họ sẽ cho phép mình dừng lại một chút, ngẫm nghĩ về những chi tiết được viết một cách ẩn ý, phức tạp.

Đó là những điều không làm được khi đọc trên màn hình, vì chỉ cần một đoạn viết khó hiểu là độc giả sẽ chán ngay, chuyển sang làm chuyện khác.

* Sau những buổi gặp gỡ trao đổi chuyên môn với sinh viên ở Hà Nội và TP.HCM, anh nhận xét họ như thế nào?

- Phải nói là họ rất ham học hỏi. Tôi chỉ đưa ra một đề xuất là vài giây sau họ đã bắt tay vào việc và rất tập trung. Họ tạo cho tôi cảm giác nắm bắt cơ may cùng làm việc, dù tôi không biết sau này họ có viết văn hay không.

* Ở Bỉ, giới trẻ đọc sách có nhiều hơn trước đây?

- Thời kỳ tôi lớn lên cách nay 20 năm, người ta bảo rằng giới trẻ sẽ không đọc gì nữa vì đó là thời của truyền hình nghe nhìn. Nay nhờ có Internet, giới trẻ đọc nhiều hơn, dù không cùng cách như đọc sách. Những tin nhắn, những email, thậm chí những status trên Facebook cũng là hình thức viết.

Viết chẳng qua là muốn thể hiện điều gì đó và tìm ngôn từ thích hợp để người khác hiểu được. Tôi thấy giới trẻ ngày nay chia sẻ nhiều hơn những điều mình viết. Hai mươi năm trước khi tôi viết, bạn bè tôi chẳng ai làm điều đó. Nay tôi thấy người trẻ xung quanh mình viết nhiều hơn, từ đơn giản cho đến phức tạp dần.

* Anh làm việc nhiều với các nhà xuất bản ở Bỉ và cả ở Pháp. Anh có chịu áp lực nào từ phía họ, chẳng hạn phải viết chuyện này, tránh chuyện kia...?

- Họ luôn có ý kiến và nó thay đổi thường xuyên. Vì vậy, cần phải biết trước ý định của họ để đề xuất viết như thế nào. Thị trường sách cũng như thời trang, năm nay là chuyện ma cà rồng, năm sau là chuyện tình lãng mạn, năm tới là pháp thuật như Harry Potter...

Nhưng điều quan trọng là tìm hiểu xem liệu người ta có tìm đọc một quyển sách xuất bản đã 10 năm, 20 năm trước. Vấn đề không phải phụ thuộc vào quảng cáo, mà là độc giả yêu thích nó và muốn người khác cùng đọc. Văn chương đi xuyên suốt thời gian là vì vậy.

Tôi rất vui khi Chuyện tầng 5 viết từ 14 năm trước lại là sách mới ở Việt Nam.

* Anh có dịp đọc tác phẩm nào của nhà văn Việt Nam? Chẳng hạn Nhà xuất bản Riveneuve ở Pháp có bộ sưu tập văn chương Việt Nam cận đại của các tác giả như Thuận, Nguyễn Việt Hà...

- Chưa. À, tôi có một cái tên được khuyên đọc, đó là Hồ Anh Thái với một tiểu thuyết được dịch sang tiếng Pháp. Khi về nước tôi sẽ tìm đọc, và cả những tác giả mà anh vừa nhắc đến. Nay tôi cảm giác có được vài tham chiếu về cuộc sống ở Việt Nam và sẽ tìm hiểu xem các nhà văn Việt Nam viết gì, tưởng tượng ra sao.

* Ở Việt Nam, nhiều bạn đọc thích văn chương Pháp, nhưng đôi khi quên rằng có những tác phẩm là của nhà văn Bỉ. Chẳng hạn Georges Simenon được một trang web giới thiệu là nhà văn Pháp nổi tiếng về tiểu thuyết trinh thám! Có lúc nào anh phải đính chính rằng mình là người Bỉ viết tiếng Pháp chứ không phải người Pháp?

- Chúng tôi biết điều này. Điều quan trọng đối với tôi là sử dụng tiếng Pháp như một công cụ ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tôi là người Bỉ nhưng không đọc được tác phẩm của những người Bỉ nói tiếng Hà Lan ở nước tôi. May mắn của chúng tôi là một quốc gia bé nhỏ nên không quan trọng việc mình là ai, mà là mình đã làm gì, đã đi đâu...

Chúng tôi không quá dân tộc chủ nghĩa. Chính nhờ đó mà chúng tôi dành nhiều chỗ cho trí tưởng tượng, óc hài hước và tính linh hoạt để làm những điều khác biệt, vì chúng tôi phải sáng tạo ra thế giới mình đang sống.

Người ta bảo rằng đặc điểm của người Bỉ là sự thỏa hiệp. Ở Bỉ có đến ba vùng, ba cộng đồng, ba ngôn ngữ, vì vậy phải giỏi thương lượng để làm hài lòng mọi người bằng những thỏa hiệp.

* Các nhà văn Bỉ có tham gia tích cực vào đời sống chính trị?

- Chúng tôi có quyền viết những gì mình muốn. Có những nhà văn thích gây bút chiến. Tôi thích tiểu thuyết phải làm lay động mọi người, buộc họ suy nghĩ, đặt nhiều câu hỏi chứ không phải đưa ra câu trả lời. Nhưng có những nhà văn không làm thế. Họ do dự khi phải đập tay lên bàn.

(*): Nicolas Ancion viết trực tuyến Cơn hoảng loạn thoáng qua (tựa tiếng Pháp là Léger vent de panique) sau 12 giờ viết tại Hà Nội và 12 giờ tại TP.HCM, hoàn tất lúc 19g25 ngày 30-9-2014 tại Nhã Nam thư quán. Đây là dự án phối hợp giữa NXB Nhã Nam và Phái đoàn Wallonie-Bruxelles tại Việt Nam. Tiểu thuyết dài 21.452 từ, được phiên dịch ra tiếng Việt cùng thời điểm tác giả viết. Đây là lần thứ ba Nicolas Ancion viết marathon 24 giờ, sau Bruxelles năm 2010 và New York 2013.

QUANG THÁI thực hiện

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1