Lời hứa hay sự tri ân bà con kiều bào Đức
Tôi gặp đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình lần đầu khi anh cùng đoàn làm phim "Quyên" sang Berlin (Đức) khảo sát cảnh quay. Cảm giác chung về anh là sự giản dị, chân tình. Một người điềm đạm, kiệm lời. Sau này chứng kiến anh chỉ đạo đoàn làm phim, nơi phim trường, vẫn thấy anh vậy. Không hầm hố, hùng hục, hung hăng như nghề đạo diễn phim trong tưởng tượng của tôi.
Chẳng riêng anh, cả đoàn làm phim đều vậy. Trông ai cũng giản dị, hiền lành. Chẳng ra dáng một ê kíp làm phim xếp hạng nhất nhì nước. Chỉ khi họ thực hiện cảnh quay mới thấy cảm phục. Say mê quên cả ăn. Làm việc liên tục, đầy năng động, người nào việc ấy, nhịp nhàng, ăn ý như những công nhân trong xí nghiệp sản xuất chỉ khác không lấm lem dầu mỡ, không ầm ào tiếng máy.
|
Đoàn làm phim "Quyên" trong buổi ra mắt tại Berlin (Đức). |
Ngay buổi gặp lần đầu cách đây gần tròn năm đó, đạo diễn đã đặt vấn đề nhờ một số anh em ở Berlin giúp đoàn làm phim chọn cảnh quay, tìm đạo cụ, phục trang và hoàn tất các thủ tục cần thiết để đoàn có thể bấm máy. Cũng nhờ bà con và các tổ chức, hội đoàn huy động hộ lực lượng diễn viên quần chúng khi cần thiết. Cuối buổi gặp mặt, lúc chia tay, anh nhẹ nhàng hứa, khi phim hoàn tất, sẽ chiếu mấy buổi miễn phí cho bà con tại Đức xem.
Cũng tưởng anh tiện mồm đưa đẩy hứa cho vui, cho đẹp lòng người mình nhờ vả để tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ khi đoàn sang làm phim.
Rồi đoàn làm phim sang, chỉ vài tuần tất tả cả ở Berlin, cả ở vùng núi Garmisch. Ở đâu họ cũng nhận được sự giúp đỡ của bà con cộng đồng, của anh em bạn bè. Từ suất ăn khi đói, cái sim điện thoại khi cần. Giúp không phải để được sau này xem phim miễn phí. Cũng chẳng phải vì tiền thù lao. Đơn giản, vì trước hết cùng là người Việt trong hoàn cảnh xa xứ, rồi vì muốn được xem quay phim, được nhìn diễn viên và đặc biệt vì đây là phim truyện Việt đầu tiên nói về người Việt ở Đức, về chính thân phận một thời của họ.
Sự giúp đỡ đó thực ra cũng chẳng nhiều nhặn gì. Nhưng không có nó, đoàn làm phim không thể thực hiện kế hoạch khi thời hạn được cấp phép quay ở Đức rất hạn hẹp. Hơn nữa, sự giúp đỡ đó còn làm ấm lòng những người xa nhà. Họ thấy như luôn có người bạn bên cạnh sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ. Nhất là những thứ chỉ những người giống như dân bản địa mới có thể làm.
|
Từ trái qua: Vũ Ngọc Anh, Đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình và Trần Bảo Sơn |
Có thể vì lẽ đó, vì một miếng khi đói bằng một gói khi no, mà đoàn làm phim ghi nhớ. Đến nỗi, hồi đầu năm nay, khi mang "Quyên" trên hồ sơ, sang quảng cáo trong hội chợ phim quốc tế tại Berlin, dù thời gian rất eo hẹp, nhưng bà Hảo, mẹ đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình, cô Hạnh, vợ đạo diễn đồng thời là Giám đốc hãng BHD - nhà sản xuất phim "Quyên" cứ tha thiết đề nghị một cuộc gặp mặt với số anh em đã giúp đỡ đoàn làm phim. Cuộc gặp đã diễn ra trong một nhà hàng sang trọng tại thủ đô Berlin. Nhưng một bữa ăn dù đắt tiền bao nhiêu đêm ấy, cũng không bằng ánh mắt và lời cảm ơn tận đáy lòng mà họ đã trao tới mọi người.
Hôm tôi và Phạm Mạnh Cường - người đã đi theo giúp đoàn làm phim suốt cả thời gian quay ở Đức – từ Trường Sa về, đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình, vừa rời cuộc họp đã đích thân mang xe tới đón. Rồi dẫn hai anh em đến một quán có góc nhìn không thể đẹp hơn. Từ cửa kính chỗ ngồi nhìn xuống, tòa nhà UBND TP với quảng trường lung linh ánh đèn, tấp nập người qua lại lọt trong tầm mắt. Quán tĩnh, nhạc nhẹ, mấy anh em tha hồ chuyện trò. Không một lời cảm ơn, không nhắc cả đến phim "Quyên" mà vẫn vui, ấm áp, nghĩa tình như anh em lâu ngày gặp lại.
Hôm qua vừa đặt chân đến Berlin để trình chiếu khai mạc phim "Quyên", Bình đã gọi ngay cho chúng tôi. Vừa gặp Bình đã vồn vã: “Cảm ơn các anh đã giúp phát hành vé mời cho bà con". Trời Berlin thật lạ, mùa hè, trưa nắng như đổ lửa mà đêm vẫn se lạnh. Chúng tôi ngồi bên chai vang đỏ, ngay vỉa hè khách sạn Bình ở. Chưa kịp an vị tôi đã sốt sột hỏi:
- Lý do nào mà em mang phim chiếu khai mạc ở đây, vừa cập rập, vừa tốn kém. Ngày kia, ngày kìa lại trình chiếu ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội rồi?
Câu hỏi chẳng làm cho người được hỏi ngạc nhiên. Bình cứ thong thả đáp, thong thả giãi bày.
- Ở nhà cũng bảo em chơi ngông. Nhưng chiếu ở đây trước hết để thực hiện lời hứa như anh đã biết. Nếu không có cộng đồng người Việt ở Đức sẽ không có tiểu thuyết "Quyên" của bác Thọ. Nếu không có bà con, có các anh, các chị giúp đỡ phim "Quyên" của em không thể hoàn thành. Còn biết bao con người em đã gặp qua những chuyến đi khảo sát, qua câu chuyện cuộc đời của họ, giúp em hiểu Quyên hơn. Trình chiếu khai mạc cho những người như thế là xứng đáng chứ anh.
Nghe Bình nói tôi nhớ đến lần nói chuyện trên mạng gần đây với nhà văn Nguyễn Văn Thọ. Anh cũng nhắc đến sự tri ân bà con cộng đồng người Việt tại Đức, tri ân nước Đức. Anh tiếc không dự khai mạc phim ở Berlin vì phải có mặt trong buổi ra mắt phim ở Hà Nội. Anh cho xem diễn từ sẽ đọc hôm đó, trong đó anh đã viết: “Xin cám ơn đồng bào, bè bạn tôi, những người như Quyên, còn đang trên nước Đức, đã giúp đỡ đoàn phim "Quyên", cũng như bè bạn truyền thông thân thiết và vô tư đã động viên, quảng bá cho việc làm nỗ lực của Quyên.
Nhân dịp này, thông qua bà Jutta Frasch, đại sứ Đức tại Việt Nam, từ trái tim, tôi xin bầy tỏ lời cảm ơn nước Đức, đã tạo cho đoàn phim một điểm quay tuyệt vời và sự hợp tác trong khi đoàn chúng tôi làm phim "Quyên", nhờ mảnh đất này mà vẻ đẹp văn hóa dân tộc chúng tôi thêm tròn trĩnh, đầy đặn, ở trong tiểu thuyết "Quyên" và phim "Quyên"".
Sự đón nhận của cộng đồng
Tôi đến rạp chiếu khá sớm, vì để giao vé mời cho bà con đến từ tỉnh xa. 19h khai mạc. 20h chiếu phim. Mới chưa tới 18h đã thấy người lao xao trước rạp. Thì ra diễn viên Vũ Ngọc Anh, diễn viên Trần Bảo Sơn, David Tran đang chụp ảnh giao lưu với khán giả. Tôi để ý bốn người phụ nữ khép nép nơi góc phố. Thấy tôi đưa vé mời cho những người đã hẹn trước, họ tiến tới đòi mua. Khi biết vé chỉ mời chứ không bán, họ thất vọng ra mặt phân trần. "Bọn em từ Dresden đến, nghe nói chiếu phim "Quyên", tưởng có bán vé nên đến xem. Giờ hết đường rồi. Chán quá".
|
Hình ảnh đoàn làm phim "Quyên" được bà con kiều bào Đức chào đón tại buổi ra mắt. |
Một cô già dặn nhất trong nhóm tiếp lời: "Em đã nhờ mua Quyên của bác Thọ từ Việt Nam sang. Đã đọc hai, ba lần. Thương Quyên, xót Quyên lắm nên mới mò đến đây xem. Tôi thực chẳng biết nói sao. Vé mời phim Quyên đã "cháy" trước đây cả chục ngày".
Nghĩ đến vé mà ngao ngán. Công ty BHD nhờ tôi và nhà quay phim Phạm Mạnh Cường phân phối vé khu vực Berlin. Chúng tôi làm danh sách vé mời. Toàn những người có đóng góp khi quay phim "Quyên" ở Đức, những diễn viên quần chúng, đại diện tổ chức hội đoàn, báo chí và đại diện nhân sỹ, trí thức. Công ty đã duyệt và chuyển vé sang. Số lượng nghe rất nhiều, 400 vé, nhưng thực là muối bỏ biển so với mấy chục ngàn người Việt ở Berlin, hơn trăm ngàn người Việt tại CHLB Đức. "Cháy" vé mời là phải.
Những ngày trước khi khởi chiếu phim "Quyên", di đông của tôi toàn cuộc gọi xin vé. Facebook của tôi toàn tin nhắn đòi vé. Có cháu năn nỉ: "Cháu muốn xem phim "Quyên" để hiểu thời của mẹ cháu. Mẹ cháu sang đây đơn phương độc mã nuôi cháu khôn lớn. Bố cháu đã có người khác sau 2 năm mẹ cháu sang lao động xuất khẩu"
Một anh khác gọi. Tôi là hàng xóm của nhà Kuman và chị Kim vợ anh ấy, nguyên mẫu để nhà văn Nguyễn Văn Thọ viết Quyên. Tôi cần 2 vé để vợ chồng tôi đưa gia đình Kuman đến giao lưu với đoàn làm phim. Chị Kim, nguyên mẫu của Quyên, giờ ốm bệt lắm. Đi phải có người dìu. Toàn trường hợp không thể từ chối.
Loay hoay trước cửa rạp trước gió và cái se lạnh bất chợt giữa mùa hè Berlin rồi tôi cũng giao hết vé cho những người được mời, lại lo được 4 vé cho 4 phụ nữ chầu chực xem phim đến từ Dresden. Lòng nhẹ thênh tôi bước vào bên trong.
Ngay tiền sảnh rạp chiếu, trước phông quảng cáo Quyên, người đông nghịt. Họ chờ đến lượt để được chụp ảnh với dàn diễn viên. Hầu như ai cũng chụp. Già trẻ, trai, gái, nam phụ, lão, ấu, từ người làm thuê đến doanh nhân thành đạt. Tôi nhận ra Kuma nhờ nước da đen nổi bật của anh giữa những người châu Á.
|
Những cái bắt tay nồng ấm của bà con kiều bào Đức dành cho nam diễn viên Trần Bảo Sơn. |
Có một người đàn ông đi cùng họ nói: "Đây là Kuma và chị Kim - nguyên mẫu trong tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Văn Thọ". Lập tức mọi người dãn ra, rồi cùng đẩy họ lên bục chụp ảnh. Quyên - diễn viên Ngọc Anh - đứng cạnh Quyên nguyên mẫu - chị Kim. Hai người phụ nữ, hai thế hệ. Một người cao ngỏng, trẻ trung, lộng lẫy. Một người thấp đậm, già nua, xềnh xoàng. Ôi, thời gian, nhan sắc! Ôi, khoảng cách hun hút giữa đời thường và nghệ thuật. Nhìn mà ứa nước mắt. Mọi người lia lịa chụp, ký giả và dân thường. Người ta xót xa cho thân phận Quyên ngay khi phim "Quyên" chưa trình chiếu.
Ngày chiếu phim "Quyên" có lẽ cũng là ngày hội của công đồng người Việt ở Đức. Nó cũng được tính là một sự kiện trong chuỗi các sự kiện mừng kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Có sự tham gia của Tham tán công sứ ở Berlin và Tổng lãnh sự tại Frankfurt.
Bà con đông đủ, xúng xính quần là áo lượt đến nỗi đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình phải nói trên sân khấu trước giờ trình chiếu: Chưa bao giờ dự một khai mạc phim mà thấy khán giả mặc đẹp như ở Berlin. Chiếu trước giờ 6, 7 tiếng đồng hồ mà bà con đã xúm xít trước cửa rạp, chuyện trò ran ran, bắt tay, chụp ảnh. Tôi gặp một anh bạn trong đám đông ấy, bảnh bao, tươi rói: "Mấy chục năm ở Đức mới có ngày thảnh thơi đi xem, thích thật".
Nếu không chiếu phim "Quyên", có những người hàng chục năm không bước tới rạp chiếu, cũng là thật. Không phải họ thiếu tiền mà thiếu thời gian. Không phải họ không thích xem phim, mà có đến xem cũng chẳng hiểu. Mấy ai trong số hàng chục ngàn người Việt lao động ở Đức đủ tiếng để xem phim Tây không dịch. Vì thế, rạp chiếu với hơn 500 chỗ ngồi không không một chỗ trống.
Nước mắt người trong cuộc
Người ta háo hức chờ phim "Quyên", người ta nô nức đến rạp chiếu cũng vì tò mò. Tiểu thuyết "Quyên" cũng nhiều người từng đọc. Không đọc thì nghe kể nên ít nhiều biết. Người khen cũng có, người chê cũng có. Người bảo giống như cuộc đời có thật. Người bảo phần nhiều là hư cấu. Nhưng nó vẫn được đón nhận và trân trọng vì chí ít, đấy cũng là cuốn tiểu thuyết đầu tiên viết về cộng đồng người Việt ở Đức.
|
Đoàn làm phim giao lưu với khán giả |
Đúng thời kỳ hỗn mang nhất, thời bức tường ngăn cách Đông - Tây sụp đổ. Thời dòng người chạy từ Đông Âu sang Đức đông nhất. Thời xuất hiện nhiều Quyên - những thân phận phụ nữ bị lạm dụng, bị xô đẩy như cánh bèo giữa cơn lũ. Thời hoành hành của những băng đảng người Việt chém, giết, cướp máu loang ngoài rừng, máu đổ cả trong những căn hộ.
Ai đã từng đọc "Quyên", đã nghe kể về Quyên trong tiểu thuyết chính là người muốn đi xem phim "Quyên" nhất. Vì thế rạp chật cứng người là phải.
90 phút chiếu cả rạp im phăng phắc. Phim ít thoại, kiệm lời. Nhất là Quyên, chỉ hình ảnh, diễn xuất của diễn viên. Cả trường đoạn hàng mấy chục phút mở đầu từ khi Quyên bị bắt, nhốt, hiếp, cả hai lần chạy trốn không thành, cho đến khi cam chịu đầu hàng, cô không nói một lời. Chỉ có Hùng độc thoại.
Tôi rất hồi hộp trước khi chiếu, chẳng hiểu sao, mà tới lúc phim đã chiếu đến mấy chục phút đầu, người vẫn lạnh tanh, không cảm xúc. Tôi tự giải thích, chắc có lẽ mình đã đọc truyện, đã theo đoàn làm phim, đã nhìn thấy những cảnh quay nên chai lỳ chăng. Cho đến khi Quyên nói câu đầu tiên. Cô không thể không nói trong hoàn cảnh ấy. Cô có thể câm nín, cào đùi mình đến chảy máu để kìm nén bản năng nhục dục, nhưng cô không thể yên lặng trước lời cầu hôn của người đã chiếm đoạn cô bằng vũ lực.
|
Cả khán phòng chật cứng khán giả trong buổi công chiếu phim "Quyên". |
Điều điều tiên cô nói vừa là sự phản kháng, vừa là khát vọng trong lòng cô: "Cho tôi về với chồng tôi". Cho đến đó cảm xúc trong tôi chợt trào lên. Và không kìm được khi cô đã vượt qua mọi cản trở, vượt qua những mời gọi, những chăm chút, lo lắng của Hùng để về bên chồng, kết cục cô vẫn bị người chồng mà cô yêu thương nhất, tống ra ngoài cửa. Đến đó tôi đã bật khóc. Thương Quyên đến xót xa. Không chỉ riêng tôi, xung quanh rất nhiều tiếng sụt sịt. Có người lau nước mắt.
Khi kết thúc bộ phim, đến phần giao lưu, đứng trên sân khấu tôi hỏi vọng xuống khán giả: Ban nãy xem phim ai đã khóc? Rất nhiều cánh tay giơ lên, đa phần là phụ nữ.
Ra khỏi rạp, mấy anh, chị em ra ngồi quán bia. Uống vì sự gặp mặt, vì sự thành công của Quyên, vì những cảm xúc về phim vẫn ăm ắp trong lòng. Tôi hỏi lại câu ban nãy hỏi khán giả trong rạp và thêm câu hỏi nguyên nhân, vì sao? Có chị nói, khóc ngay đoạn đầu, thương Quyên yêu chồng mà phải bị nhốt, bị hiếp bởi người cô hoàn toàn không có tình cảm. Nhục nhã, ê chề.
Có anh nói đã rơm rớm nước mắt lúc Hùng chở Quyên về với chồng, gặp công an, đã thà chết để giải thoát cho cô. Quả một tấm lòng cao thượng. Anh khác nói rất xúc động lúc Hùng bị chặt tay nằm bệnh viện, Quyên dẫn con đến, chỉ nhìn, chưa kịp nhận con, đã chết. Nhưng đa số giống tôi, đã khóc lúc Quyên bị chồng đuổi, đã khóc lúc Quyên sau khi sinh, lần đầu tiên nhìn thấy đứa con của mình.
Những hoàn cảnh đó, hình như có người đã trải qua, có người đã chứng kiến, đã nghe nói đâu đó, như gần lắm, như cuộc đời họ, như cuộc đời bạn bè, người thân bên cạnh.
Rất tiếc, số khán giả được xem "Quyên" có hạn và có chọn lọc. Nếu để thoải mái sẽ có rất nhiều em, nhiều cháu đẩy xe nôi đến rạp. Họ đang sống ở Berlin, những nơi được gọi là "Bến không chồng". Họ có một, thậm chí hai, ba con của không chỉ một người đàn ông. Vì để được ở lại nước Đức họ cam chịu là Quyên của thời nay. Nếu có họ đến xem, rạp chiếu thêm biết bao giọt nước mắt. Nước mắt của người trong cuộc. Đâu đó có tiếng sụt sịt. Tôi cũng khóc đến hai lần./.