Hầu hết các tác giả đều cho rằng, bản quyền sách giáo khoa cần được thực thi sòng phẳng, chứ không thể giống như một thái độ “ban ơn”!
Sau bao phen dư luận kêu ca về hành động phớt lờ bản quyền đối với các tác phẩm in trong sách giáo khoa, NXB Giáo dục đã gọi điện thoại cho các tác giả mong thông cảm xí xóa bản quyền từ năm 2013 trở về trước, và hứa sẽ thực hiện từ năm 2014.
Đồng thời, Tổng giám đốc NXB Giáo dục đã có công văn gửi các cơ quan báo chí, nhằm nhấn mạnh hai điều. Thứ nhất, đã trả khoản tiền từ 100.000 - 250.000 đồng cho mỗi tác phẩm hoặc đoạn trích, cùng gửi sách biếu. Mức nhuận bút không vượt quá tiền công biên soạn cho bài học đó.
Thứ hai, sách giáo khoa là xuất bản phẩm đặc biệt, giá sách Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính thẩm định chặt chẽ. Với giá bán sách hiện nay, NXB Giáo dục vẫn bù lỗ từ 70 - 100 tỉ đồng mỗi năm.
Cách giải thích của NXB Giáo dục tất nhiên không thuyết phục được các tác giả nói riêng và cộng đồng nói chung. Bởi lẽ, NXB Giáo dục độc quyền in ấn và phát hành sách giáo khoa với số lượng khổng lồ.
Theo ước tính, với sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12, mỗi năm doanh thu của NXB Giáo dục khoảng 400 tỷ đồng. Lâu nay, NXB Giáo dục vẫn trả cho người biên soạn sách 500 ngàn đồng/tiết học, nhưng lại không ngó ngàng đến quyền lợi các tác giả trong sách giáo khoa.
Rõ ràng nhất bên trọng nhất bên khinh. Ví dụ, cuốn Tiếng Việt lớp 5 có 170 tiết học, người biên soạn sẽ được nhận thù lao trọn gói tầm 85 triệu đồng, thì phải chi trả thế nào để thể hiện tính công bằng với những người đã trực tiếp sáng tạo ra từng tác phẩm?
Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam đã thống kê, trong bộ sách giáo khoa Tiếng Việt từ lớp 1 đến lớp 12 có 648 tác phẩm văn học. Nếu áp dụng mức bản quyền cực rẻ do chính NXB Giáo dục đưa ra, thì mỗi năm đơn vị này cũng chỉ trả khoản tiền trên dưới 100 triệu đồng cho cả bộ sách giáo khoa Tiếng Việt.
Đã có giai đoạn, các tác giả xem việc có tác phẩm đưa vào sách giáo khoa là một niềm vinh dự lớn lao, nên không quan tâm gì đến bản quyền. Giờ đây, khi ý thức bản quyền được khơi dậy, thì nhiều người mới vỡ lẽ ra sự thật về sức lao động của mình đã bị… NXB Giáo dục lãng quên suốt một thời gian dài!