Văn học dịch là cây cầu kết nối giữa các nền văn học. Tại Việt Nam, nhờ sự nỗ lực của đội ngũ dịch giả và các nhà xuất bản, nhiều tác phẩm văn học kinh điển của thế giới đã đến với công chúng. Tuy nhiên, dịch thuật văn học đang tồn tại nhiều vấn đề đáng lo ngại liên quan đến chất lượng dịch thuật, tính chuyên nghiệp của dịch giả cũng như nhu cầu, thị hiếu của công chúng… Nguyên nhân là do thiếu hẳn một nền lý thuyết về dịch thuật, cũng như định vị cách tiếp nhận của công chúng.
Theo PGS.TS Đặng Anh Đào - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, tại Việt Nam, để có được một lý thuyết về dịch văn chương cần phải có sự hỗ trợ của ít nhất 2 môn lý luận khác là: Văn học so sánh và Ngôn ngữ học. Như bà, từng là tác giả bản dịch các tác phẩm của các nhà văn nổi tiếng như Balzac, Victor Hugo, “Tuyển tập truyện ngắn Pháp thế kỷ XIX”, “Truyện ngắn phương Tây” cùng nhiều công trình nghiên cứu văn học khác cũng phải thừa nhận, hệ thống lý luận về dịch thuật đang thực sự thiếu trong nền văn học, vốn được cho là có truyền thống lâu đời như Việt Nam.
Dịch giả - nhà nghiên cứu Văn học Đặng Anh Đào là người tâm huyết trong công việc dịch những tác phẩm văn học Pháp sang tiếng Việt
“Khi viết báo cáo, tôi mới phải đi tìm lý thuyết. Thường khi dịch thì những tác phẩm tôi thích, tôi mới dịch. Lúc ấy, tôi cũng không nghĩ tới lý thuyết gì cả. Tôi lấy kinh nghiệm từ những người đi trước, ví dụ như những tác giả đã dịch thơ”, PGS.TS Đặng Anh Đào cho biết.
Dường như giữa lý thuyết và thực tiễn dịch văn học đang có một khoảng cách. Hệ quả là người dịch chưa thực sự xác định được họ sẽ hướng tới những mục tiêu nào, độc giả nào và định vị một tác phẩm ra sao, càng không có căn cứ để xác định những yếu tố văn hóa nào của nước ngoài là phù hợp với môi trường Việt Nam. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng chênh lệch thị hiếu thẩm mỹ khi những tác phẩm kinh điển, có giá trị lại chưa thực sự cuốn hút độc giả bằng những cuốn sách truyện ngôn tình, được du nhập chủ yếu từ Trung Quốc.
Chị Nguyễn Hải Yến, nhân viên bán hàng của Amak Book cho biết, thông tin và nội dung của những câu chuyện ngôn tình được đăng tải tràn lan trên mạng là một trong những cơ sở để nhiều bạn trẻ hiện nay tiếp cận, lựa chọn đọc loại sách này ngày càng nhiều. Đó cũng là một trong những lý do mà đội ngũ dịch giả sẽ có những tiêu chí khác nhau trong việc lựa chọn và chuyển ngữ tác phẩm.
Nhiều độc giả trẻ hiện nay say mê với những cuốn sách ngôn tình, đam mỹ
Theo TS Nguyễn Thị Thu Hiền - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, đội ngũ dịch giả nay cũng khác trước, còn có sự tham gia của những người say mê, yêu thích văn chương bên cạnh những nhà nghiên cứu.
“Bây giờ có rất nhiều dịch giả ngoại đạo về văn học, tức là họ thiếu phông kiến thức về văn học và văn hóa. Trong trường hợp như thế, theo tôi đó là thiếu chuyên nghiệp. Có thể là một từ, nhưng nếu họ hiểu văn hóa của từ đấy, có thể họ sẽ chuyển tải được nghĩa khác, phù hợp với văn hóa hơn. Họ luôn phải dịch thật nhanh. Tác phẩm này nổi tiếng ở nước ngoài thì về Việt Nam phải dịch ngay lập tức, chỉ cần có dịch giả dịch được là dịch. Riêng điều đó đã bị bỏ qua khâu, hoặc là chúng ta không lựa chọn dịch giả tốt, hoặc không có đủ thời gian cho ra đời những bản dịch tốt”, TS Nguyễn Thị Thu Hiền nhận định.
Tình trạng thiếu chuyên nghiệp của dịch thuật văn học Việt Nam còn thể hiện ở chỗ, chúng ta có rất ít người “sinh nghề tử nghiệp” với dịch thuật. Ngay như dịch giả Trần Đình Hiến, người chuyển ngữ sang tiếng Việt các tác phẩm của nhà văn Mạc Ngôn (Trung Quốc) như “Báu vật của đời”, “Đàn hương hình”, "Rừng xanh lá đỏ" đến với công việc dịch văn học với tư cách là một nhà ngoại giao, nhà nghiên cứu. Ba nữ dịch giả văn học Pháp là Lê Hồng Sâm, Đặng Anh Đào, Đặng Thị Hạnh suốt cuộc đời gắn bó với dịch thuật, nhưng không phải là công việc chính mà chỉ như “cuộc chơi quý tộc của các bà” đam mê văn học.
Mới đây, dịch giả Đặng Anh Đào còn chia sẻ, “cuộc chơi” của bà với bộ tác phẩm kinh điển của nhà văn Pháp Marcel Proust là “Đi tìm thời gian đã mất” gồm 7 tập đã phải dừng lại ở tập 2 - “Bên phía nhà Swan", vì lý do việc chuyển ngữ tác phẩm này sang tiếng Việt rất vất vả, mà sách in ra lại chưa được nhiều độc giả quan tâm./.