Trả lời câu hỏi của nhiều người thắc mắc vì sao lại viết cuốn sách “Dạy trẻ kiểu Do Thái – Sự may mắn của cái đầu gối bị trầy xước”. Tác giả trả lời: “Tôi viết sách để nhắc nhở bản thân mình làm theo những gì được viết trong đó. Và điều này gần như luôn có tác dụng. Bằng cách sử dụng những bài học của đạo Do Thái do chính mình nhắc đến trong cuốn sách, tôi đã không còn bao bọc thái quá, luôn lên sẵn lịch trình, nuông chiều và đặt những kỳ vọng cao ngút trời vào con cái – những thứ vốn là chuẩn mực của vùng Los Angeles, nơi tôi nuôi dạy hai cô con gái nhỏ của mình. Tôi rất rõ ràng và có chiến lược trong việc dạy bọn trẻ biết kính trọng cha mẹ, tôi cũng cố gắng tôn trọng các con bằng cách trân trọng cả tài năng lẫn khuyết điểm của chúng. Ngày nào tôi cũng nhắc bản thân mình nhớ đến câu nói trong đạo Do Thái rằng mọi bậc cha mẹ đều phải dạy con mình học bơi – tôi đã áp dụng triết lý này bằng cách để các con gái mình leo lên những thân cây thật cao, dùng những con dao sắc nhọn, nấu ăn với chiếc chảo nóng và tất nhiên, vì tôi sống ở Nam California, dạy chúng bơi, nhảy từ trên cao và lặn xuống những vùng nước sâu ngay từ khi chúng còn rất nhỏ.
Khi tôi phát hành cuốn sách đầu tiên, các con tôi mới 9 và 13 tuổi. Tôi đã hoàn toàn tự tin khi nghĩ đến quãng thời gian chúng bắt đầu trưởng thành. Khi các con gái tôi bước vào tuổi mới lớn, tôi đã là một chuyên gia. Thật thế. Tôi là một nhà tâm lý học xã hội, có nghĩa rằng tôi được đào tạo bài bản để nhìn nhận các vấn đề liên quan đến cảm xúc trong từng bối cảnh văn hóa cụ thể. Chuyên ngành của tôi là nuôi dạy con cái và sự phát triển bình thường của trẻ. Tôi đã làm việc với các gia đình trong suốt 30 năm liền. Tôi hiểu về các học thuyết liên quan đến vấn đề cá tính hóa, tác động của tuổi dậy thì đến tính cách, nhịp điệu sinh lý hàng ngày phá vỡ giấc ngủ như thế nào và khao khát phiêu lưu mạo hiểm ở tuổi mới lớn[1]. Tôi cũng ý thức rất rõ về tác động của nền văn hóa vận động nhanh chóng, đầy cạnh tranh, thô bạo cùng sự phát triển của công nghệ Internet đến việc phát triển một nhân cách tốt ở giới trẻ. Tôi đồng thời rất chú ý đến việc trẻ mới lớn rất dễ bị tổn thương bởi sự lo lắng, thói quen ăn uống bừa bãi, tình trạng tự làm bản thân bị thương, sự thất vọng, các vấn đề liên quan đến học tập, sự chú ý cũng như việc lạm dụng thuốc.
Tôi hình dung rằng với hàng tá những bí quyết liên quan đến chuyên môn cũng như tôn giáo, tôi sẽ dẫn các con gái mình vượt qua tất cả những mối nguy hiểm thường thấy của tuổi mới lớn. Và khi bước qua ngưỡng tuổi đó, các con gái tôi sẽ trở thành những con người có trách nhiệm, trưởng thành và là những thành viên gia đình tốt hơn. Dưới sự hướng dẫn chín chắn của tôi, chúng tôi sẽ có những mối quan tâm chung và những cuộc trò chuyện sâu sắc hơn. Vòng quay cuộc sống thường nhật của gia đình tôi cũng sẽ trơn tru hơn khi giờ đây các thành viên trong gia đình đã cao lớn, thông minh, ăn rơ với nhau và sáng tạo hơn.”
Xin giới thiệu với bạn đọc những lờikhen tặng dành cho cuốn sách “Dạy con kiểu Do Thái – Sự may mắn của điểm B trừ”
“Giọng văn đầy cảm thông của Mogel trong cuốn sách hữu ích này có thể sẽ là cứu cánh cho các vị phụ huynh.”
- Nhật báo Người Do Thái
“Đây là cuốn sách gối đầu giường cho tất cả các bậc phụ huynh, dù họ theo tôn giáo nào… Dạy trẻ kiểu Do Thái – Sự may mắn của điểm B trừ cho độc giả thấy họ đang có rất nhiều điều may mắn. Mogel đã cố gói ghém rất nhiều lời khuyên thông thái trong khuôn khổ một cuốn sách.”
- Nhật báo Người Do Thái ở San Diego
“Cuốn sách đầy những nội dung sâu sắc về việc làm sao để nuôi dạy nên được những thanh thiếu niên niên kiên cường. Mogel đã đưa ra rất nhiều những kiến thức hợp tình hợp lý. Bạn sẽ cảm thấy được an ủi và nhắc nhở rằng dù những năm tháng khi bọn trẻ đến tuổi vị thành niên rất khó khăn nhưng rồi con bạn sẽ trở thành những người lớn tự tin và hạnh phúc.”
- Tạp chí Phụ nữ Do Thái
“Cuốn sách hay nhất về chủ đề nuôi dạy trẻ vị thành niên.”
- Điểm sách Rosebud
- “Thông minh, dí dỏm và rất hay, cuốn sách này là kiến thức quý giá với tất cả những ai có con ở tuổi vị thành niên.”
- Rabbi Harold S. Kushner, tác giả cuốn sách Khi người tốt gặp chuyện xấu (When bad things happen to good people)
“Khả năng biến những tri thức cũ trở nên mới mẻ của Wendy Mogel thật phi thường. Bản thân cô cũng là một người phụ nữ uyên bác. Các bậc phụ huynh ở Mỹ - và do đó cả trẻ em Mỹ nữa – nên biết ơn cô.”
- Leon Wieseltier
“Tất cả chúng ta nên biết ơn cuốn sách Dạy trẻ kiểu Do Thái – Sự may mắn của điểm B trừ này. Cũng giống như Wendy Mogel, cuốn sách này rất vui nhộn và nhiều kiến thức. Nó sẽ cho các bậc phụ huynh thứ họ cần: quan điểm về một công việc phức tạp và thường khiến bạn phát điên - nuôi dạy trẻ vị thành niên.”
- TS. Michael Thompson, tác giả cuốn sách Chuyện con trai: Sự phát triển của con trai bạn từ khi mới chào đời đến năm 18 tuổi (It’s a boy: Your son’s development from birth to age 18)
“Wendy Mogel đã cho chúng ta một tài liệu thuyết phục và thú vị về những sai lầm của việc làm cha mẹ và phải làm sao với chuyện đó. Với các bậc cha mẹ quá quan tâm đến con cái, đây là cuốn sách không thể bỏ qua.”
- Patrick Basset, chủ tịch Hiệp hội Trường học Độc lập quốc gia
“Trong cuốn sách đặc biệt thẳng thắn và bổ ích này, Wendy Mogel đã đưa ra những lời khuyên thực tế và quan điểm tích cực về tất cả các vấn đề, lớn và nhỏ, mà mọi gia đình – dù có niềm tin và các nền tảng văn hóa khác nhau – đều phải đối mặt khi con cái đến tuổi vị thành niên. Đó là một giọng nói hài hước, lý trí, sáng suốt và đầy cảm thông trong một nền văn hóa được thúc đẩy bởi tính cạnh tranh thái quá, đề phòng thái quá và hiếu động thái quá. Dạy trẻ kiểu Do Thái – Sự may mắn của điểm B trừ truyền cảm hứng và an ủi bạn. Quan trọng hơn cả, cuốn sách đáng đọc này cho chúng ta những công cụ mình cần để trở thành những ông bố bà mẹ tự tin và tỉnh táo hơn. Đó không phải là trí tuệ Do Thái mà là trí tuệ của con người. Và tôi luôn biết ơn về điều đó.”
- Katrina Kenison, tác giả cuốn sách Món quà của một ngày bình thường (The gift of an ordinary day)
Tiến sỹ Wendy Mogel
Thông tin tác giả:
TS. Wendy Mogel là một nhà tâm lý học trị liệu, một chuyên gia giảng dạy về nuôi dạy con, diễn giả lớn cho các tổ chức, trường học liên quan đến giáo dục và tôn giáo. Bà là tác giả cuốn sách bán chạy của New York Times, “Dạy trẻ kiểu Do Thái – Sự may mắn của cái đầu gối bị trầy xước”. Hiện bà đang sống tại Los Angeles. Hãy ghé thăm trang web của bà tại địa chỉ: www.wendymogel.com.
Mục lục
Chương 1
Sự may mắn ẩn giấu trong việc nuôi dạy con cái ở độ tuổi mới lớn
Chương 2
Sự may mắn khi có những đứa con kỳ quặc: Chấp nhận vẻ đẹp độc đáo của bọn trẻ
Chương 3
Sự may mắn của thái độ khó chịu: Khoan dung với sự hỗn láo thường xuyên của bọn trẻ
Chương 4
Sự may mắn của điểm B trừ : Bài học thực sự từ Bài tập về nhà, Việc nhà và Việc làm
Chương 5
Sự may mắn của chiếc áo len bị mất tích: Kiềm chế chủ nghĩa vật chất, quyền hành và sự vô ý thức của trẻ mới lớn
Chương 6
Sự may mắn của những vấn đề phải giải quyết : Để bọn trẻ học hỏi từ những đánh giá sai lầm và tình huống căng thẳng
Chương 7
Sự may mắn của việc thức khuya : Dành thời gian để nghỉ ngơi và thư giãn
Chương 8
Sự may mắn của việc phá luật: Cuộc sống thực giống như phòng thí nghiệm đạo đức
Chương 9
Sự may mắn của cơn say: Cách tiếp cận mộ đạo đối với vấn đề tình dục và
chất kích thích
Chương 10
Dũng khí để con đi
“Mẹ à, con đi bơi được không?
Được, con gái yêu quý của ta
Hãy treo quần áo của con lên cành gỗ mại châu
Nhưng đừng đến gần mặt nước.”
- Mother Goose
[2]
Baruch B’al Milchamot
Phước cho người tham gia vào cuộc chiến.
(Kinh thánh Do Thái)
[1] Nguyên văn – Dopamine: chất truyền dẫn thần kinh tạo cảm giác hưng phấn trong não.
[2] Mother Goose: Người được cho là tác giả của những bài thơ dành cho trẻ em được xuất bản vào thế kỷ XVIII. (Tất cả chú thích trong sách đều là của người dịch.)