Trước nguy cơ tụt hậu về khả năng cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa và nỗ lực hội nhập kinh tế thế giới hiện nay của Việt Nam, hơn bao giờ hết, yếu tố nhân lực cần được các cơ quan, doanh nghiệp trong nước nhận thức một cách đúng đắn và sử dụng hiệu quả hơn. Sự thiếu quan tâm hoặc quan tâm không đúng mức đối với yếu tố nhân lực có thể dẫn đến tình trạng “hụt hơi” hay “bị loại khỏi vòng chiến”, một khi mức độ cạnh tranh tăng cao.
Tuyển chọn nhân lực là quá trình tương tác, ganh đua giữa người mua và người bán sức lao động để đạt tới một hợp đồng việc làm phù hợp cho cả hai bên. Tương tác cạnh tranh trong tuyển chọn nhân lực có những đặc điểm riêng cần phải nghiên cứu, đó là quan hệ giữa chủ thể tìm người làm việc và chủ thể tìm việc làm. Thông qua cạnh tranh lành mạnh để xác định sự tương thích hiệu quả nhất giữa con người và việc làm. Sự tương thích ở mức cao có thể là cần thiết nhằm xác định rõ đặc điểm cá nhân và yêu cầu của công việc cụ thể, trên cơ sở đó để đạt mục tiêu đã đặt ra của tổ chức.
Cuốn sách Cạnh tranh trong tuyển chọn nhân lực do TS. Vũ Thanh Sơn - Trưởng khoa Kinh tế Chính trị (Học viện Chính trị - Hành chính khu vực I) chủ biên đã làm rõ bức tranh cạnh tranh trong tuyển chọn nhân lực thời gian qua, nhận diện các nét “sáng” và “tối” của bức tranh này ở Việt Nam. Dựa trên số liệu sơ cấp và thứ cấp sưu tầm được, cuốn sách đã chỉ rõ nhiều phát hiện nghiên cứu bao hàm cả những yếu tố tích cực tạo tiền đề cho môi trường cạnh tranh và nhiều hạn chế, bất cập trong phát triển thị trường lao động nói chung và tuyển chọn nhân lực nói riêng của Việt Nam. Cuốn sách có những gợi mở tư duy về cách tuyển chọn nhân lực phù hợp hơn trong xu thế vận động của thị trường trong nước và hội nhập thị trường lao động toàn cầu. Bên cạnh đó là hệ thống giải pháp xúc tiến cạnh tranh trong tuyển chọn nhân lực của nền kinh tế nói chung và khu vực công nói riêng trong điều kiện kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội Việt Nam.
Cuốn sách đã giúp luận giải quan niệm cạnh tranh trong tuyển chọn nhân lực trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam, và đặc biệt là nhấn mạnh tới một số đặc điểm riêng của tuyển chọn nhân lực trong khu vực công và khu vực tư. Nhiều phát hiện nghiên cứu có giá trị khoa học và thực tiễn trong tuyển chọn nhân lực cần được quan tâm thỏa đáng từ góc độ hoạch định chính sách và quản trị nhân lực trong nền kinh tế thị trường hiện nay ở Việt Nam.
Đây là tài liệu tham khảo hữu ích cho các cán bộ quản lý của các cơ quan, doanh nghiệp cả khu vực nhà nước và tư nhân...; học viên các trường đào tạo về quản trị kinh doanh… và những bạn đọc quan tâm đến vấn đề này.