Khi tôi đi làm được vài năm, một “đàn anh” thân thiết của tôi trong công ty có khuyên: để tồn tại và phát triển được trong môi trường công sở, cần phải biết và dùng 4 “chiêu”. Đó là “ngậm máu phun người, ném đá giấu tay, thượng đội hạ đạp, mềm nắn rắn buông.” Anh ta còn đưa ví dụ cụ thể để tôi hình dung được trong bối cảnh nào thì nên dùng “chiêu” nào, và nhắc tôi nên phối hợp nhuần nhuyễn cả 4 “chiêu”. Anh càng diễn giải thì tôi càng thấy khôi hài và đương nhiên cho rằng đó là câu chuyện phiếm, “mang tính chất giải lao” thôi. Hồi đó, tôi chưa ý thức được như thế nào là chính trị doanh nghiệp.
Nhưng qua một thời gian làm việc dài hơn, tôi để ý rằng dường như các chiêu thức nói trên xuất hiện rất thường xuyên nơi công sở, nhất là “ngậm máu phun người” và “thượng đội hạ đạp”. Hóa ra, người đồng nghiệp “đàn anh” của tôi nói có lý. Để giải quyết các vấn đề trong quan hệ công việc và xa hơn nữa là chính trị doanh nghiệp, người ta sẵn sàng đổ lỗi cho người khác, một cách công khai hoặc ngấm ngầm. Song song với trò đổ lỗi là lối hành xử tranh giành thành tích và phủ nhận năng lực của người khác. Tất cả đều nhằm duy trì và đánh bóng thương hiệu cá nhân. Tôi chắc rằng những ai làm việc nơi công sở cũng đều có các trải nghiệm này, trực tiếp hoặc gián tiếp, theo một mức độ nào đó.
Quyển sách Trò đổ lỗi của Ben Dattner và Darren Dahl trình bày toàn diện các khía cạnh của trò đổ lỗi và việc công nhận thành tích/ năng lực nơi công sở, đồng thời hướng dẫn độc giả hình thành các phương pháp tiếp cận hiệu quả đối với các vấn đề này. Bạn đọc chắc hẳn sẽ thấy hình bóng của mình và các đồng nghiệp trong một số tình huống minh họa của sách, mặc dù phần lớn các tình huống này diễn ra trong môi trường làm việc tại Hoa Kỳ và châu Âu. Tôi cho rằng những quan điểm trình bày trong sách đều mang tính khoa học và hữu ích cho bạn đọc, dù đang là nhà quản lý hay là nhân viên thừa hành.
Hy vọng rằng với những kiến thức trong sách này, bạn đọc sẽ khéo léo xử lý được những mối quan hệ nơi công sở, với thái độ công bằng và tử tế mà không cần phải dùng đến “4 chiêu” như trên.
- Nguyễn Phúc Hoàng