Thành công trên ghế nhà trường không có nghĩa là sẽ thành công ngoài cuộc đời. Được điểm cao trên lớp học chưa thể đảm bảo bạn sẽ trở thành người thành đạt, có một vị trí vững chắc ngoài xã hội. Không ít sinh viên trong 4-5 năm đại học luôn nằm trong “top ten” về điểm số của lớp, đến khi tốt nghiệp được nhận tấm bằng hạng ưu. Cứ ngỡ với trình độ chuyên môn như thế, xin được một việc làm như ý là việc đơn giản, nên nhiều bạn “chê ỏng ẻo” những việc làm với mức lương mà họ cho là không tương xứng với tấm bằng cử nhân “đỏ chót” của mình. Nhưng suốt nhiều tháng sau khi ra trường, họ vẫn không tìm được việc làm. Thực tế cuộc sống mới là thước đo chính xác nhất về “giá trị” của bạn, chứ không phải điểm số bạn nhận được ở trường.
Trong khi nhiều bạn trẻ thế hệ 8X đã rất thành công và đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong các tổ chức và doanh nghiệp, thì nhiều người khác lại chật vật tìm chỗ đứng cho mình, chật vật tìm một công việc làng nhàng chỉ để đủ sống và không bị coi là thất nghiệp.
Ngoài những kiến thức về chuyên môn, về thế giới quan mà sinh viên nào cũng được học, bạn đã chuẩn bị thêm cho mình được những gì trong hành trang vào đời? Bạn đã học về soft skills (những kỹ năng mềm nào)? Kế hoạch sự nghiệp của bạn thế nào? Ngay cả khi bạn đã sẵn sàng bắt tay vào làm hồ sơ xin việc, bạn có dám chắc mình đủ khả năng viết được một bộ hồ sơ “chuẩn” không?....
Đây là cuốn sách cô đọng đúc ra 20 vấn đề mà mỗi một bạn trẻ cần biết và học cách để chuẩn bị cho mình nhiều cơ hội việc làm nhất.