Tác giả: P.S.Tarannốp
Số trang: 752 trang
Giá tiền: 153.000 đ
Từ trước đến nay, đã có nhiều người viết về các bậc vĩ nhân, các nhà hiền triết, các nhà thông thái. Các công trình ấy cũng đã cung cấp nhiều thông tin bổ ích, đã đi sâu vào nhiều khía cạnh trong cuộc đời và sự nghiệp của các nhân vật. Song, người đọc vẫn cảm thấy thiếu vắng một công trình có tính chất cẩm nang giới thiệu một cách có hệ thống và ngắn gọn để dễ đọc và dễ nhớ về những nhân vật tiêu biểu, dùng làm sách tra cứu cho độc giả.
Cuốn sách 106 nhà thông thái do P.S.Tarannốp biên soạn, Đỗ Minh Hợp dịch và hiệu đính từ bản tiếng Nga do Nhà xuất bản Sóng Thần, Mátxcơva xuất bản năm 1996 và mới đây, được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật cho xuất bản bằng tiếng Việt, đã đáp ứng được yêu cầu trên.
Trong cuốn sách, dựa trên tiêu chí “chỉ quan tâm đến các nhân vật trong đó thành tố tư tưởng trong sự nghiệp sáng tạo đã rõ ràng”, tác giả lấy mốc từ ông vua Sôlômông cho đến Actua Sôpenhaoơ, chọn ra 106 gương mặt để trình bày khái quát, cô động lại, lược khảo vắn tắt những nét chính về cuộc đời, các sự kiện làm nên số phận, tạo nên tính cách, những lý thuyết khoa học và tư tưởng đặc trưng cho mỗi nhân vật qua những đoạn trích dẫn, những câu châm ngôn, cách ngôn, chỉ dụ, lời khuyên, lời cảnh tỉnh, các nhận xét, quan điểm…
Với hơn 700 trang sách, mỗi nhân vật nhắc đến trong cuốn sách này, được tác giả giới thiệu qua bốn tiêu chí: cuộc đời, số phận, học thuyết và tư tưởng. Qua đó, giúp người đọc có thể bổ sung và làm giàu kiến thức, tăng cường năng lực hiểu biết, khám phá và sáng tạo của mình.
Đúng như trong Lời nói đầu, P.S.Tarannốp viết: “Cuốn sách này không phải là một hợp tuyển, nhưng cũng có thể sử dụng như một hợp tuyển. Nó không phải là sách giáo khoa vì nó đầy đủ hơn, toàn diện hơn, khách quan hơn và cụ thể hơn rất nhiều. Nhưng nó cũng có thể được sử dụng như một cuốn sách giáo khoa vì nó được biên soạn cho mục đích giảng dạy và tập trung vào việc trình bày tài liệu theo tiến trình thời gian. Nó không phải là trích tuyển vì nó không đặt ra nhiệm vụ “tùy tiện nhặt ra” những đoạn trích dẫn từ một khối tài liệu phong phú và vô tận, để gợi cho độc giả có ý nghĩ là dẫu sao mình cũng lĩnh hội được tài liệu và hiểu thấu đáo nó…”.