Tác giả: TS. Đỗ Quỳnh Nga
Số trang: 394
Giá tiền: 132.000đ
Trong vài thập kỷ gần đây, lịch sử vùng đất Nam Bộ đã trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm nghiên cứu của nhiều học giả trong nước và quốc tế với những hướng tiếp cận và nhận thức mới. Nhiều hội thảo khoa học đã được tổ chức, nhiều công trình nghiên cứu đã được công bố, góp phần nâng cao hiểu biết toàn diện về quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Nam Bộ. Lịch sử Nam Bộ không còn được quan niệm chỉ bắt đầu từ thế kỷ XVII khi người Việt di cư vào khai phá, mà phải ngược về quá khứ xa xưa từ khi con người xuất hiện trên vùng đất này. Nhưng trong tiến trình lịch sử đó, công cuộc khai phá của người Việt vừa kế tục kết quả khai phá của các lớp cư dân trước, trong đó có người Khơme, người Chăm, người Mạ, người Stiêng, người Châu Ro…, vừa tạo nên một động lực mới thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng làm thay đổi diện mạo kinh tế, xã hội, văn hóa của cả vùng đất Nam Bộ. Quá trình khai phá đó gắn liền với quá trình xác lập chủ quyền của chính quyền chúa Nguyễn để đến giữa thế kỷ XVIII vùng đất này trở thành một bộ phận của lãnh thổ quốc gia Đại Việt. Tuy nhiên, nhận thức sử học cũng như nhận thức khoa học nói chung, là vô bờ bến, không bao giờ kết thúc.
Cuốn sách Công cuộc mở đất Tây Nam Bộ thời chúa Nguyễn của TS. Đỗ Quỳnh Nga là một cố gắng, một thành tựu mới trên con đường tiếp tục khám phá về quá trình khai phá vùng đất phương Nam này. Cuốn sách vốn là luận án tiến sĩ sử học của tác giả, đã được bảo vệ thành công cuối năm 2012, với sự đánh giá cao của các phản biện và Hội đồng chấm luận án cấp nhà nước.
Nội dung cuốn sách phản ánh một cách khá toàn diện và có hệ thống công cuộc khai phá miền Tây Nam Bộ từ đầu thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XVIII. Cùng với các lớp di dân người Việt, tác giả cũng nêu lên sự tham gia và đóng góp của người Hoa trong khai phá vùng Hà Tiên với vai trò của Mạc Cửu và vùng Mỹ Tho với vai trò của Dương Ngạn Địch. Trong việc phục dựng bức tranh khai phá miền Tây, tác giả cũng nhấn mạnh vị trí vùng đất Long Hồ, Tầm Phong Long với vai trò của Nguyễn Cư Trinh. Tất cả công cuộc khai phá đó được phân tích trong bối cảnh lịch sử không chỉ trong phạm vi Đàng Trong mà cả nước Đại Việt và vùng Đông Nam Á, nhất là Đông Nam Á lục địa với mối quan hệ phức tạp giữa vương triều Chân Lạp với vương triều Xiêm La và chúa Nguyễn ở Đàng Trong.
Một nội dung quan trọng của cuốn sách là phân tích phương thức “mở đất” của các chúa Nguyễn và các hệ quả. Tác giả đã có những tìm tòi và phân tích sâu sắc trong chủ trương vừa khai phá vừa xác lập chủ quyền, kết hợp chặt chẽ và khôn khéo giữa các giải pháp kinh tế - xã hội với chính trị - quân sự và ngoại giao. Đó là phương thức “tàm thực” (tằm ăn lá) với hai hình thức mở đất chủ yếu là “chiếm hữu” và “chuyển nhượng”, chứ không phải chinh phục bằng chiến tranh hay bành trướng quân sự. Do đó, công cuộc mở đất dẫn đến sự mở rộng lãnh thổ Đại Việt vào tận đồng bằng sông Cửu Long, nhưng không gây ra và để lại hậu quả nặng nề của những mâu thuẫn và xung đột tộc người của cộng đồng cư dân đa tộc người trên đất Nam Bộ. Đặc điểm này tạo nên mối quan hệ chung sống và giao lưu mật thiết giữa các tộc người và những sắc thái văn hóa đặc trưng của không gian văn hóa Nam Bộ.
Công trình được thực hiện trên cơ sở tham khảo khá đầy đủ các kết quả nghiên cứu trước đây và dựa trên việc thu thập tư liệu rất công phu. Ngoài các tư liệu trong các nguồn thư tịch cổ, các tài liệu nước ngoài, tác giả còn tiến hành điều tra khảo sát thực địa để thu thập và khai thác thêm các tư liệu địa phương.
Đây là một công trình nghiên cứu khoa học công phu, nghiêm túc của tác giả, có những đóng góp khoa học tích cực vào sự nghiệp nghiên cứu lịch sử khai phá vùng đất phương Nam của Tổ quốc Việt Nam, rất bổ ích cho những ai muốn tìm hiểu, nghiên cứu sâu về lịch sử vùng đất Nam Bộ.