Tác giả: PGS. TS. Nguyễn Minh Phương
Số trang: 360 trang
Giá tiền: 59.000 đồng
Việc nhận thức rõ mục tiêu, nội dung xã hội hóa giáo dục, y tế, nắm vững chủ trương của Đảng và Nhà nước là tiền đề quan trọng để xây dựng và thực thi có hiệu quả những chủ trương, chính sách đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa giáo dục, y tế ở nước ta. Để góp phần cung cấp lý luận và thực tiễn, cơ sở khoa học cho việc nghiên cứu, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, y tế trong giai đoạn hiện nay, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản cuốn sách Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, y tế ở Việt Nam (Sách chuyên khảo) của PGS. TS. Nguyễn Minh Phương.
Theo tác giả, thời gian qua, thực tế công tác xã hội hóa hoạt động giáo dục, y tế chưa bảo đảm định hướng đã đề ra, kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng và thiếu vững chắc… Trong khi đó, việc nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa chưa được chú ý đúng mức, còn nhiều lúng túng, vướng mắc… Do đó, việc nghiên cứu cơ sở khoa học đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động giáo dục, y tế là rất cần thiết trong giai đoạn đẩy mạnh cải cách hành chính hiện nay. Trên cơ sở đó, tác giả đã đưa ra một số giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, y tế. Cụ thể:
Đối với lĩnh vực giáo dục, tác giả đưa ra sáu giải pháp: Một là, tạo lập đồng bộ cơ sở pháp lý cùng với các cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đẩy mạnh hơn nữa xã hội hóa giáo dục, y tế; Hai là, hoàn thiện công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển xã hội hóa giáo dục, đào tạo; Ba là, bố trí ngân sách nhà nước một cách hợp lý tạo điều kiện cho phát triển xã hội hóa giáo dục, đào tạo; Bốn là, tạo điều kiện phát triển nhanh các trường đại học, trường dạy nghề ngoài công lập, đồng thời, bảo đảm chất lượng đào tạo của các cơ sở này; Năm là, tăng cường và đa dạng hóa các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước đầu tư cho phát triển giáo dục, đào tạo; Sáu là, tăng cường công ác thanh tra, kiểm tra nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Đối với lĩnh vực y tế, tác giả đưa ra bảy giải pháp: Một là, phát triển nhanh mạng lưới các cơ sở y tế ngoài công lập, nhất là các bệnh viện tuyến trên và các cơ sở ý tế chất lượng cao; Hai là, tăng ngân sách và đổi mới phân bổ ngan sách dành cho y tế, điều chỉnh chính sách thu viện phí; Ba là, đa dạng hóa các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước và hình thức đầu tư cho phát triển y tế; Bốn là, đổi mới chế độ bảo hiểm y tế, tạo đột phá để có bảo hiểm toàn dân và chi trả tất cả qua bảo hiểm y tế, đồng thời, phát triển bảo hiểm y tế tự nguyện đáp ứng nhu cầu cho nhóm người có khả năng chi trả; Năm là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở y tế ngoài công lập và các hoạt động dịch vụ liên doanh, liên kết trong các bệnh viện công lập; Sáu là, chú trọng củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở; Bảy là, phát huy vai trò các tổ chức xã hội và vận động toàn xã hội tích cực tham gia công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Nội dung cuốn sách gồm năm chương:
Chương I: Một số vấn đề lý luận về xã hội hóa giáo dục, y tế;
Chương II: Kinh nghiệm của một số nước trong việc huy động các nguồn lực xã hội cung ứng dịch vụ giáo dục, y tế;
Chương III: Các quy định hiện hành về xã hội hóa giáo dục, y tế ở nước ta;
Chương IV: Thực trạng xã hội hóa giáo dục, y tế và những vấn đề đặt ra;
Chương V: Quan điểm, giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, y tế.
Ngọc Huệ