Cuốn sách là phần cốt lõi trong Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu của đề tài khoa học cấp nhà nước: Đổi mới và phát triển ở Việt Nam - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn (Mã số: ĐTĐL-2003/18) do GS.TS. Nguyễn Phú Trọng, hiện là Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội làm Chủ nhiệm đề tài. Đây là đề tài được triển khai từ đầu năm 2003 với sự tham gia của toàn thể các thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương cùng nhiều nhà khoa học và hoạt động thực tiễn trong cả nước.
Để thực hiện đề tài này, những người tham gia thực hiện đã phân tích và tổng hợp các quan điểm, đường lối của Đảng thể hiện trong Cương lĩnh chính trị, nghị quyết các Đại hội VI, VII, VIII, IX và các hội nghị Ban chấp hành Trung ương các khoá; đã đi khảo sát thực tế tại nhiều địa phương và tìm hiểu kinh nghiệm ở một số nước; tổ chức 3 cuộc hội thảo: Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (2 vòng);Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước; Vấn đề đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân (2 vòng)…, đồng thời sử dụng kết quả nghiên cứu của 8 chương trình khoa học xã hội giai đoạn 2001-2005, kết quả 2 cuộc hội thảo quốc tế giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc:Chủ nghĩa xã hội và kinh tế thị trường - Kinh nghiệm của Trung Quốc, kinh nghiệm của Việt Nam; Xây dựng Đảng cầm quyền - kinh nghiệm của Việt Nam, kinh nghiệm của Trung Quốc. Ngoài ra, Hội đồng lý luận Trung ương còn nghiên cứu các chuyên đề: Dân chủ xã hội chủ nghĩa trong điều kiện một đảng cầm quyền, các hình thức thực hiện dân chủ; Quan niệm của một số Đảng Cộng sản về chủ nghĩa xã hội; Tác động của toàn cầu hoá đến sự phát triển của nước ta. Kết quả nghiên cứu của đề tài đã được báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư và góp phần xây dựng Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 20 năm đổi mới (1986-2006) trình Hội nghị Trung ương 11 (khoá IX); một số kiến nghị của đề tài đã được sử dụng trong quá trình soạn thảo các văn kiện Đại hội X của Đảng.
Là sự chắt lọc những nội dung trọng yếu của đề tài, cuốn sách gồm 3 phần:
Phần thứ nhất: Sự lựa chọn lịch sử, giới thiệu một số khái niệm cơ bản liên quan trực tiếp đến công trình nghiên cứu; luận giải tính quy luật khách quan của vấn đề đổi mới và phát triển; phân tích bối cảnh ra đời và quá trình hình thành, phát triển đường lối đổi mới ở Việt Nam.
Phần thứ hai: Đổi mới và phát triển trên một số lĩnh vực chủ yếu, trình bày khái quát những thành tựu và hạn chế (cả về lý luận và thực tiễn) của công cuộc đổi mới ở Việt Nam trong 20 năm qua trên các lĩnh vực: kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, phát huy dân chủ, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng hệ thống chính trị, đổi mới, chỉnh đốn Đảng.
Phần thứ ba: Về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, làm sáng tỏ thêm những nhận thức về bản chất, đặc trưng của chủ nghĩa xã hội và những phương hướng cơ bản để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta qua việc tổng kết lý luận và thực tiễn 20 năm đổi mới.
Cuốn sách có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, là tài liệu tham khảo quý giá đối với những nhà hoạch định đường lối, chính sách, những cán bộ nghiên cứu và giảng dạy lý luận, cán bộ quản lý, chỉ đạo thực tiễn và các độc giả quan tâm đến vấn đề này.
Để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia tái bản cuốn sách này (xuất bản lần đầu năm 2006). Sách dày 484 trang, giá 60.000 đồng./.