Tác giả: Hữu Thọ
Số trang: 304 trang
Giá tiền: 51.000đ
Đối thoại chọn lựa một số bài trả lời phỏng vấn và phát biểu tranh luận của nhà báo Hữu Thọ trong từng thời điểm cụ thể. Cuốn sách là tác phẩm bổ ích, phản ánh nhiều vấn đề nóng hổi của dư luận và xã hội hiện nay.
Hữu Thọ cho rằng nhà báo chỉ có thể đối thoại với xã hội bằng cách thông tin về những vấn đề thời sự “nóng”, đang được cả xã hội đương đại quan tâm, trăn trở nghĩ suy, tìm cách tháo gỡ để phát triển hài hòa, vững chắc, nhất là xã hội Việt Nam hiện đại, vốn xuất phát từ một xã hội nông nghiệp tiểu nông, mang đậm căn tính nông dân, đã và đang tích cực đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đô thị hoá, với mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh… Ông tự chiêm nghiệm, muốn đối thoại với công chúng báo chí, trước hết nhà báo phải biết nghe, nhìn, phát hiện, chọn lọc và phản ánh thật nhanh nhạy những vấn đề xã hội nảy sinh hàng ngày trong đời sống dân chúng. Nhưng muốn “biết” như thế, rất cần một điểm tựa nghề nghiệp đặc thù: “phải có mắt sáng, lòng trong, bút sắc”. Và hơn hết, phải xuất phát từ tinh thần dân chủ, phải thông tin vì quyền lợi dân chúng, phải đại diện cho công chúng báo chí, nhất là khi cần đối thoại với các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước về các vấn đề phát triển văn hoá, kinh tế, xã hội… của đất nước, đặc biệt trong thời điểm Việt Nam gia nhập WTO…
Cuốn sách gồm 29 bài viết thể hiện sâu sắc quan điểm, thái độ, chính kiến của tác giả về các vấn đề mang tính thời sự, qua đó giới thiệu một số phong cách tác nghiệp của các nhà báo khi tiến hành cuộc phỏng vấn, trao đổi ý kiến với người có trách nhiệm trong quá trình hoạt động nghề nghiệp. Các vấn đề của dư luận và xã hội được trao đổi trong cuốn sách như: Làm thế nào để nghe được tiếng nói thật của dân?; Ngăn chặn bệnh “chạy” phải bịt các cửa “chạy”!; Người tài phải biết tự bảo vệ mình; Không ai hội nhập bình đẳng với cái bóng của mình; Nông dân chưa được hưởng thụ bình đẳng những thành quả của đổi mới; Cần có tư duy mới và tầm nhìn xa trong vấn đề “tam nông”; Không thở dài trước tham nhũng; Báo chí là một thế lực cần được tôn trọng; Trong nghề buôn đừng đi buôn chữ; Hai việc cực kỳ quan trọng với nghề báo… là những tài liệu thực sự bổ ích cho các nhà báo cũng như sinh viên khoa báo chí và độc giả trong nghiên cứu quá trình đổi mới báo chí, đối mới đất nước dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng.