Đây là một công trình nghiên cứu khoa học mang đầy đủ ý nghĩa của mối quan hệ đặc biệt hiếm có giữa hai dân tộc Lào - Việt, được tập hợp từ thực tế điều tra ở các bản làng của các dân tộc, bộ tộc Lào, kết hợp với tư liệu báo cáo của các địa phương trong nhiều năm, những tài liệu nghiên cứu khoa học của Lào và Việt Nam cũng như nhiều nước khác viết về Lào. So với hai lần xuất bản trước, cuốn sách này có nhiều tu chỉnh, bổ sung. Ngoài hai phần chính - phần Lịch sử và phần Dân tộc, để làm sáng tỏ thêm một số sự kiện lịch sử quan trọng, tác giả Hoài Nguyên đã bổ sung thêm phần Phụ lục gồm những văn kiện và tư liệu mới, quan trọng của các nhân chứng lịch sử.
Phần I trình bày lịch sử Lào từ cổ đại đến cận hiện đại và lịch sử Lào hiện đại, phần II khái quát lịch sử con người Lào. Qua đó, bạn đọc sẽ được tiếp cận những nét đặc trưng nhất về văn hoá, kinh tế, xã hội, sự hình thành và phát triển các tộc người ở Lào. Độc giả sẽ có sự hiểu biết sâu sắc và sẽ yêu mến đất nước Lào hơn nữa sau khi tìm hiểu về các hình thái kinh tế, hình thái xã hội, văn hoá vật chất, ngôn ngữ, chữ viết, văn học, ca múa nhạc của người Lào, các phong tục tập quán đặc sắc, những lễ hội đậm đà bản sắc văn hoá, tín ngưỡng, tôn giáo Lào,v.v..
Đặc biệt, sự hình thành các nhóm tộc người và các tộc người ở Lào là một nội dung rất hấp dẫn. Có thể nói, Lào là một đại gia đình các dân tộc, trong đó mỗi tộc người lại có nguồn gốc lịch sử khác nhau, trình độ kinh tế, văn hoá, xã hội khác nhau, ngôn ngữ, đặc điểm tâm lý khác nhau…Nhưng chính những đặc trưng riêng của các tộc người, dựa trên nền văn hoá đặc trưng chung của dân tộc và khu vực, qua bao đời đã tác động và ảnh hưởng lẫn nhau, tạo nên một đất nước Lào tươi đẹp, con người Lào nồng hậu, thuỷ chung.
Ở phần Phụ lục, bạn đọc sẽ tiếp cận với những văn kiện, tư liệu lịch sử quan trọng của Lào như: những nét độc đáo của ba lần thành lập Chính phủ liên hiệp ở Lào, Đại hội quốc dân Lào, Đơn xin thoái vị của vua Xixavang Vátthana, Nghị quyết về Quốc kỳ và Quốc ca của Lào,…
906 trang sách sẽ giúp bạn đọc hiểu biết hơn về đất nước Lào, lịch sử đấu tranh cũng như quá trình dựng nước, giữ nước và xây dựng đất nước của nhân dân các bộ tộc Lào; hiểu biết hơn về mối quan hệ đặc biệt giữa nhân dân hai nước Lào - Việt Nam như lời Chủ tịch Xuphanuvông: “Mối tình hữu nghị (Lào - Việt) đó cao hơn núi, dài hơn sông, rộng hơn biển cả, sáng hơn trăng rằm, ngát thơm hơn bất cứ đoá hoa nào thơm nhất”./.
GIAO LINH