Mục đích lớn nhất của TS. Đỗ Khánh Tặng, tác giả cuốn sách, là góp phần làm rõ mối quan hệ giữa hai phạm trù: văn hoá và tư tưởng, để từ đó thấy được sự quy định lẫn nhau, gắn bó hữu cơ, không thể tách rời giữa chúng. Trong đó, “văn hoá là nền tảng của tư tưởng, làm cho tư tưởng có cơ sở đứng vững và có tính thuyết phục. Không có văn hoá, tư tưởng dễ rơi vào chủ quan, phiến diện, áp đặt và sai lầm. Hoạt động tư tưởng cũng như người làm công tác tư tưởng phải có văn hoá, thấm nhuần các giá trị văn hoá, trở thành tài sản của mình một cách tự nhiên mới có hiệu quả trong các hoạt động”. Trên tinh thần này, tác giả phân tích hàng loạt vấn đề có liên quan như: làm cho các giá trị văn hoá thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, tư tưởng nhân văn trong phát triển bền vững, văn hoá đảng và tiêu chí tổng hợp, chủ động và sáng tạo trong quản lý văn hoá ở địa phương, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng văn hoá lãnh đạo và văn hoá quản lý…
Đồng thời, tác giả cuốn sách cũng đã khẳng định tính hợp lý và sáng suốt của Đảng Về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Theo đó, cùng với quá trình xây dựng và phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, văn hoá được xác định có vai trò là nền tảng của toàn bộ đời sống tinh thần của xã hội. Sách gồm 176 trang, giá 22.000đ.
TRANG NGUYỄN