Tác giả: GS, TS. Trần Ngọc Đường
Số trang: 356 trang
Giá tiền: 54.000đ
Quyền con người, quyền công dân luôn là mục tiêu phấn đấu không ngừng trong đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa,
Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên đã khẳng định trước toàn thế giới về quyền công dân, quyền con người trên đất nước Việt Nam: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc”.
Trải qua những cuộc đấu tranh trường kỳ gian khổ và những giai đoạn thăng trầm của lịch sử cách mạng Việt Nam, hơn ai hết nhân dân Việt Nam hiểu rõ và ý thức được sự thiêng liêng và cao quý của quyền con người, quyền công dân đã được Hiến pháp ghi nhận. Qua quá trình hoàn thiện và tùy thuộc vào các giai đoạn lịch sử khác nhau, quyền con người và quyền công dân không ngừng được bổ sung và hoàn thiện qua các Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992, sửa đổi bổ sung năm 2001 và được cụ thể hóa trong các đạo luật khác. Thông qua các luật này, Đảng và Nhà nước ta không chỉ thừa nhận và bảo đảm quyền công dân và quyền con người mà còn khẳng định rõ Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, tạo điều kiện vả đảm bảo phát huy quyền làm chủ của nhân dân, qua đó chống lại mọi luận điệu xuyên tạc dối trá của kẻ thù.
Ngày nay, đất nước ta đang bước vào công cuộc xây dựng cách mạng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do dân, vì dân, quyền con người và quyền công dân hơn hết phải được chú trọng, phát huy và hoàn thiện cả về mặt pháp lý và mặt thực tiễn trong phạm vi khu vực cũng như quốc tế.
Để giúp bạn đọc tìm hiểu và nghiên cứu quyền con người, quyền công dân trong giai đoạn xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia- Sự thật tái bản cuốn sách “Quyền con người, quyền công dân trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” bổ sung cuốn “Bàn về quyền con người, quyền công dân” của tác giả đã xuất bản năm 2003. Thông qua cuốn sách này, bạn đọc sẽ hiểu biết và nắm rõ các quan niệm về quyền con người, quyền công dân cũng như nghĩa vụ của cá nhân công dân trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; sự phát triển về mặt pháp lý cũng như thực tiễn về quyền con người, quyền công dân qua các Hiến pháp 1946, 1959, 1980.
Cuốn sách gồm năm phần:
I. Quan niệm về quyền con người, quyền công dân trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam
II. Quan niệm về quyền và nghĩa vụ của cá nhân công dân
III. Quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp 1992- bước phát triển mới so với ba Hiến pháp: Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, và Hiến pháp năm 1980.
IV. Những bảo đảm pháp lý trong việc thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
V. Tiếp tục xây dựng Nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam vì con người, coi con người là giá trị và là mục tiêu cao nhất.