Tác giả: TS. Mai Ngọc Anh (Chủ biên)
Số trang: 266 trang
Giá tiền: 47.000đ
Ở nước ta hiện nay, nông dân chiếm 70% dân số và là trụ cột của nền kinh tế. Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường, dưới tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, lực lượng này đang phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn. Mức thu nhập thấp và thiếu việc làm là nguyên nhân dẫn đến nghèo đói, bất bình đẳng và gây nên sự tách biệt xã hội về kinh tế đối với người nông dân Việt Nam. Sự tách biệt này có nguy cơ ngày càng sâu hơn, ảnh hưởng nhiều mặt đến đời sống của người nông dân. Bài toán đặt ra là cần phải có những phương hướng, giải pháp cụ thể để giảm tách biệt xã hội về kinh tế đối với người nông dân, giúp họ nâng cao chất lượng sống cũng như đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế quốc dân.
Cuốn sách Tách biệt xã hội về kinh tế đối với nông dân Việt Nam do TS. Mai Ngọc Anh chủ biên sẽ giúp bạn đọc thấy và hiểu được một phần sự tách biệt xã hội về kinh tế đối với người nông dân ViệtNamtrong giai đoạn hiện nay. Dưới góc độ của người làm nghiên cứu khoa học, nhóm tác giả đã phân tích, đánh giá thực trạng tách biệt xã hội về kinh tế đối với nông dân Việt Nam trong những năm qua một cách khách quan, khoa học, tập trung vào ba vấn đề lớn đó là: việc làm, thu nhập và đời sống của người dân nông thôn. Các tác giả cũng đã luận giải những nguyên nhân hạn chế trong quá trình giảm tách việt xã hội về kinh tế đối với người nông dân Việt Nam làm cơ sở để đưa ra những quan điểm, phương hướng và giải pháp giải quyết vấn đề khó khăn này.
Bên cạnh việc phân tích các vấn đề chung như sự hình thành, khái niệm, bản chất của tách biệt xã hội về kinh tế; các yếu tố ảnh hưởng đến tách biệt xã hội về kinh tế đối với nông dân cũng như chính sách phát triển kinh tế - xã hội đối với khu vực nông thôn Việt Nam hiện nay, cuốn sách còn giới thiệu kinh nghiệm giải quyết các vấn đề tách biệt xã hội của các nước Anh, Đức, Trung Quốc…
Cuốn sách là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách, cán bộ quản lý các cấp trong việc đưa ra các giải pháp để giảm tách biệt xã hội về kinh tế đối với người nông dân Việt Nam trong thời gian tới, góp phần củng cố vai trò trụ cột nền kinh tế của lực lượng lao động này.