Tác giả: TS. Nguyễn Thọ Ánh
Số trang: 260
Giá: 44.000 đ
Giám sát và phản biện xã hội là yêu cầu khách quan, mang tính phổ biến trong việc tổ chức và vận hành quyền lực chính trị của các nhà nước dân chủ. Nó là một trong những bộ phận cấu thành hệ thống kiểm soát quyền lực nhằm khắc phục xu hướng lạm quyền, tha hóa quyền lực nhà nước và là một phần tất yếu của quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền và thực thi dân chủ.
Hoạt động giám sát ở nước ta, cho đến nay, về thực chất, chủ yếu nằm trong hoạt động của các cơ quan quyền lực nhà nước mà cụ thể là của Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp. Hoạt động này cùng với hoạt động kiểm tra của Đảng, hoạt động thanh tra của chính quyền làm thành hệ thống kiểm soát quyền lực từ “bên trong” hệ thống chính trị. Hoạt động giám sát và phản biện xã hội tuy đã được các văn kiện của Đảng và pháp luật của Nhà nước quy định, nhưng nhìn chung chưa phát huy tác dụng góp phần kiểm soát quyền lực. Đây là một trong những lý do chủ yếu khiến cho nền chính trị ở nước ta tồn tại dai dẳng nhiều vấn đề bức xúc như nạn tham nhũng, tệ quan liêu cửa quyền của các cơ quan và công chức hành chính, tình trạng lãng phí ngân sách và tài nguyên quốc gia, tình trạng vi phạm dân chủ… Tình trạng này đặt ra yêu cầu cần tiếp tục nghiên cứu hệ thống kiểm soát quyền lực trong đó có vấn đề giám sát và phản biện xã hội.
Hệ thống giám sát và phản biện xã hội ở nước ta gồm nhiều chủ thể, trong đó Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò quan trọng đặc biệt. Hoạt động giám sát của Mặt trận và các đoàn thể được ghi nhận từ Hiến pháp năm 1992 (bổ sung, sửa đổi năm 2001), sau đó là Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1999) và trong nhiều văn bản pháp luật khác. Cho đến nay, nhìn chung hoạt động này vẫn rất hạn chế về hiệu quả, thậm chí có nhiều ý kiến cho rằng nó còn mang tính hình thức, chưa đi vào thực chất và là nội dung yếu nhất trong phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Mặt trận còn tỏ ra lúng túng về nội dung, phương pháp thực hiện, dẫn đến hiệu quả rất hạn chế, chưa ngang tầm vị trí pháp lý – chính trị của mình.
Hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là công cụ kiểm soát quyền lực của nhân dân. Thực hiện tốt hoạt động giám sát và phản biện xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ góp phần vào việc giải quyết nhiều vấn đề bức xúc vi phạm quyền lực của nhân dân hiện nay. Giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội mà Nghị quyết Đại hội X của Đảng nêu ra “là nhiệm vụ mới, rất quan trọng và nhạy cảm, cần được nghiên cứu thận trọng và tổ chức triển khai có hiệu quả” như Nhận định của Bộ Chính trị tại Thông báo số 73, ngày 10-5-2007.
Để giúp bạn đọc hiểu thêm về hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật xuất bản cuốn sách Thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiện nay của TS. Nguyễn Thọ Ánh.
Nội dung cuốn sách gồm 3 chương:
Chương I: Giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Một số vấn đề lý luận
Chương II: Thực trạng và những vấn đề thực tiễn đang đặt ra trong quá trình thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiện nay
Chương III: Quan điểm và giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Cuốn sách khẳng định hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là đòi hỏi cấp bách và tất yếu của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.