Tác giả: PGS, TS. Nguyễn Thế Kiệt
Số trang: 163
Giá tiền: 31.000 đồng
Triết học thẩm mỹ là một bộ phận của triết học, liên quan chặt chẽ tới trình độ giải phóng con người, cổ vũ năng lực sáng tạo, góp phần thủ tiêu các hình thức tha hóa, đưa con người tới tự do. Triết học thẩm mỹ là hạt nhân lý luận của thế giới quan trong lĩnh vực thẩm mỹ, là hệ thống những quan điểm chung nhất về thế giới thẩm mỹ và vị trí của con người trong thế giới đó, tác động đến nhân cách con người bằng chính cái đẹp trong sự hài hòa với cái chân, cái thiện, cái tiên tiến. Nó đánh thức không chỉ năng lực thẩm mỹ mà còn là toàn bộ năng lực sáng tạo, tiềm ẩn những sợi dây tình cảm tinh tế nhất của tâm hồn con người.
Giáo dục thẩm mỹ là một trong những nội dung quan trọng để bồi dưỡng nên những cá nhân phát triển toàn diện, nhân cách phong phú, hài hòa về thể chất, tinh thần, đạo đức và tài năng. Chính vì vậy, những vấn đề về giáo dục thẩm mỹ, nhất là giáo dục mỹ học Mác - Lênin, được Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm. Đây là một trong những nội dung cơ bản trong chiến lược con người của cách mạng Việt Nam. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã xác định: “Chú trọng xây dựng nhân cách con người Việt Nam về lý tưởng, trí tuệ, đạo đức, lối sống, thể chất, lòng tự tôn dân tộc, trách nhiệm xã hội, ý thức chấp hành pháp luật, nhất là trong thế hệ trẻ”[1].
Việc nghiên cứu và nắm vững những nguyên lý cơ bản của triết học thẩm mỹ sẽ giúp cho con người có khả năng thưởng thức, hiểu biết, đánh giá và sáng tạo cái đẹp cho cuộc sống, cho bản thân và cho cả xã hội; với ý nghĩa trên, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản cuốn sách Triết học thẩm mỹ và nhân cách của PGS.TS. Nguyễn Thế Kiệt trên cơ sở Giáo trình chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ triết học của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Cuốn sách cung cấp những nội dung cơ bản về triết học thẩm mỹ và giáo dục mỹ học Mác - Lênin nhằm phục vụ cho việc nghiên cứu, giảng dạy, học tập mỹ học, đặc biệt cho các lớp cao học và nghiên cứu sinh chuyên ngành triết học trong các học viện và các trường đại học ở nước ta hiện nay.
[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.126.