Tác giả: TS. Phạm Minh Anh
Số trang: 244 trang
Giá tiền: 42.000đồng
Theo báo cáo của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), đến cuối thế kỷ XX, các quốc gia đều đạt được những thành tựu quan trọng về phát triển con người, nhưng vẫn còn nhiều sự khác biệt trong các chỉ số phát triển giữa nam và nữ. Trong đó, người ta nhận thấy rằng sự phát triển năng lực của tất cả phụ nữ ở các quốc gia còn thấp hơn nam giới, đặc biệt là ở các quốc gia chậm phát triển.
Ở nước ta, sự nghiệp giải phóng phụ nữ đã được Đảng và Nhà nước quan tâm ngay từ những buổi đầu của cách mạng. Khẩu hiệu “nam nữ bình quyền” được khẳng định từ Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1946). Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nói: “Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”. Cho đến nay Đảng và Nhà nước ta luôn coi con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Việc chăm lo phát triển nguồn lực con người là một nhân tố quyết định thành công của công cuộc đổi mới ở Việt Nam, trong đó các tiêu chí phát triển luôn được hướng vào cả nam và nữ. Những chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng, cùng với hệ thống chính sách, pháp luật, các chương trình quốc gia của Nhà nước, Chính phủ đã và đang được tiếp tục ban hành và triển khai thực hiện hướng đến mục tiêu trên.
Trong hệ thống chính trị ở nước ta thì xã, phường, thị trấn, là đơn vị hành chính cấp cơ sở trong hệ thống chính quyền bốn cấp của Nhà nước, là hình ảnh thu nhỏ của xã hội – là một chỉnh thể - hệ thống trong đời sống hiện thực, mọi mặt hoạt động của xã hội đều diễn ra ở đó, có ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của cả hệ thống chính trị. Đây là cấp gần dân nhất, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, đó là nền tảng của mọi công tác, nền tảng của hành chính, nếu như cấp cơ sở làm được việc thì mọi việc đều xong xuôi. Cán bộ cơ sở là chủ thể trực tiếp lãnh đạo và tổ chức thực hiện các quá trình kinh tế - xã hội ở cơ sở, trong đó bao gồm cả các hoạt động hướng đến mục tiêu bình đẳng giới. Họ có một vai trò quan trọng trong việc thành hay bại của những mục tiêu này.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, còn nhiều bất cập giữa chủ trương, đường lối, nhận thức và kỹ năng của cán bộ lãnh đạo quản lý với việc triển khai các hoạt động thực tiễn, khiến cho phụ nữ còn chịu nhiều thiệt thòi so với nam giới. Báo cáo phát triển Thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc về Việt Nam đã chỉ rõ rằng, “mặc dù tình hình chung về kinh tế - xã hội của phụ nữ đã được cải thiện đáng kể trong mười năm qua, song những khác biệt đáng chú ý về giới vẫn bộc lộ trong hầu hết các khía cạnh về phát triển con người ở Việt Nam” và trên thực tế cho thấy phụ nữ Việt Nam còn chịu nhiều thiệt thòi so với nam giới, “họ chiếm 56% lao động trong nông, lâm nghiệp, đảm đương 75% công việc của nhà nông… nhưng cũng chiếm số đông trong những người mù chữ, những người mắc bệnh tật và còn ít các cơ hội, điều kiện học hành, vui chơi, giải trí”.
Đó chính là vấn đề cơ bản mà cuốn sách Vai trò của cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở trong việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới ở Việt Nam của tác giả TS. Phạm Minh Anh sẽ giúp cho các nhà hoạch định chính sách, các cán bộ quản lý và bạn đọc có tài liệu tìm hiểu về những vấn đề trên theo hướng tiếp cận xã hội học để đánh giá vai trò của cán bộ lãnh đạo, quản lý trong việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới ở nước ta hiện nay.