Tác giả: Hội Văn học - Nghệ thuật Khánh Hòa
Số trang: 664
Giá tiền: 110.000 đồng
Là tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, Khánh Hòa có bề dày lịch sử, văn hóa, và nơi đây đã từng tồn tại nền văn hóa Xóm Cồn. Những di tích văn hóa - lịch sử, những danh lam thắng cảnh nổi tiếng... góp phần vẽ nên bức tranh văn hóa vật thể phong phú và đặc sắc trên vùng đất Khánh Hòa hùng vĩ, thơ mộng và giàu tiềm năng. Bên cạnh những giá trị văn hóa vật thể, các giá trị văn hóa phi vật thể cũng vô cùng có ý nghĩa đối với mảnh đất và con người nơi đây. Tỉnh Khánh Hòa hiện nay có 32 dân tộc đang sinh sống. Đối với mỗi dân tộc sinh sống trên mảnh đất này, văn hóa dân gian luôn gắn liền với đời sống của cộng đồng các dân tộc, nó là hơi thở, là máu thịt, là niềm đam mê sáng tạo, hưởng thụ không bao giờ ngừng nghỉ, vơi cạn trong lòng người dân và trong dòng chảy chung của một nền văn hóa đa sắc màu trong cộng đồng các dân tộc của tỉnh. Thực hiện các nghị quyết của Đảng về văn hóa, văn nghệ, trong thời gian qua, văn hóa dân gian của cộng đồng các dân tộc tỉnh Khánh Hòa đã không ngừng được bảo tồn và phát triển, đổi mới trong nội dung, hướng đề tài và cách thức thể hiện các tác phẩm. Với những nội dung mới, đa dạng, các tác phẩm văn nghệ dân gian đã góp phần trong việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, định hướng tư tưởng và giới thiệu mảnh đất, con người Khánh Hòa giàu truyền thống văn hóa, anh hùng quật khởi trong chống giặc ngoại xâm, thi đua lao động sản xuất trong thời kỳ đổi mới, đến với cộng đồng các dân tộc Việt Nam trên khắp các vùng, miền và bạn bè quốc tế.
Nhằm giới thiệu và phát huy những giá trị tốt đẹp trong lĩnh vực văn hóa dân gian của tỉnh Khánh Hòa, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản cuốn sách Văn hóa dân gian Khánh Hòa (tuyển tập) do Hội Văn học - Nghệ thuật Khánh Hòa biên soạn.
Cuốn sách không chỉ giới thiệu 16 tác phẩm văn nghệ dân gian đặc sắc của các Hội viên Chi hội Văn nghệ dân gian Khánh Hòa với những nội dung chính như: hình tượng sông, biển trong văn hóa dân gian của dân tộc Raglai ở Khánh Hòa; những câu hát ru, ca dao ở Khánh Hòa; mà còn lược khảo những địa danh, đình làng trong đời sống của người dân Khánh Hòa; những nghi thức, lễ hội, văn hóa đình làng ở Khánh Hòa;...
Văn hóa dân gian của cộng đồng các dân tộc tỉnh Khánh Hòa có từ rất lâu, được truyền từ đời này sang đời khác, nhưng rất ít di khảo, tài liệu còn lưu lại được, do vậy trong quá trình biên soạn khó tránh khỏi còn thiếu sót. Các tác giả và Nhà xuất bản mong nhận được ý kiến đóng góp của bạn đọc để cuốn sách được hoàn thiện hơn trong lần xuất bản sau.