Tác giả: GS. TS. Hoàng Chí Bảo
Số trang: 448 trang
Giá: 69.000đ
Văn hóa do con người sáng tạo ra, là một hiện tượng lịch sử độc đáo của nhân loại. Con người hoạt động để sáng tạo ra văn hóa, đồng thời còn tiêu dùng và cảm thụ văn hóa. Bằng cách đó, chính văn hóa, với tất cả sức mạnh của nó, lại vun trồng, nuôi dưỡng và phát triển con người, hoàn thiện và làm phong phú thêm nhân cách con người.
Trong thời đại giao lưu và hội nhập quốc tế hiện nay, vấn đề văn hóa dân tộc, bản sắc văn hóa dân tộc, đa dạng hóa văn hóa dân tộc luôn được đặt lên vị trí hàng đầu. Tuy nhiên, việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc chỉ có thể đặt ra và giải quyết trên một tiền đề lý luận – nhận thức và thực tiễn – hành động của đổi mới, gắn liền kế thừa và đổi mới, sáng tạo để phát triển, tăng cường đối thoại, giao lưu văn hóa với các dân tộc trong khu vực và trên thế giới với tinh thần khoan dung, hợp tác, tin cậy – đem tinh hoa, bản sắc văn hóa của dân tộc mình cống hiến vào sự phong phú, đa dạng, giàu có của văn hóa thế giới, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới để không ngừng phát triển sức sống và năng lực sáng tạo văn hóa của dân tộc mình.
Với mục đích giúp bạn đọc hiểu thêm được về văn hóa nói chung, cũng như văn hóa và con người Việt Nam nói riêng, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản cuốn sách Văn hóa và con người Việt Nam trong đổi mới và hội nhập quốc tế của GS.TS. Hoàng Chí Bảo.
Nội dung cuốn sách phân tích một cách sâu sắc, thấu đáo văn hóa và văn hóa dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay ở nước ta nói riêng và văn hóa châu Á, Thái Bình Dương nói chung trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI, qua thực tiễn Đông Nam Á. Qua đó, tác giả khẳng định rõ, văn hóa dân tộc Việt Nam là cội nguồn, là nền tảng và là mục tiêu của dân tộc ta trong xây dựng nền văn hóa mới, bảo đảm cho dân tộc ta có vị thế xứng đáng trong cộng đồng nhân loại, nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Cuốn sách gồm 10 chương được chia thành 2 phần chính:
- Phần thứ nhất: Mấy vấn đề lý luận về văn hóa. Các chương trong Phần này chủ yếu đi sâu nghiên cứu bản chất, chức năng, những cơ sở quy định bản sắc của các nền văn hóa; quy luật phát triển cũng như những tiền đề và điều kiện để thực hiện tiếp xúc, giao lưu, đối thoại giữa các nền văn hóa; sự thống nhất giữa mục tiêu và động lực của văn hóa trong phát triển và tiến bộ xã hội.
- Phần thứ hai: Văn hóa với phát triển và tiến bộ xã hội nhìn từ cục diện văn hóa châu Á – Thái Bình Dương trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI qua thực tiễn Đông Á. Thông qua việc phân tích cục diện văn hóa trong phát triển khu vực châu Á – Thái Bình Dương; sự khác biệt giữa các dòng ý thức hệ và sự chi phối của nó tới các chế độ chính trị - xã hội ở các nước trong khu vực; những biến đổi của giá trị cộng đồng và sự khẳng định vai trò cá nhân với bản sắc văn hóa phương Đông; sự phát triển nhu cầu tinh thần và đa dạng hóa đời sống văn hóa tinh thần… tác giả đưa ra những kết luận về xu hướng biến đổi cục diện văn hóa khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI qua thực tiễn Đông Á.