Tác giả: TS. Trần Minh Ngọc (Chủ biên)
Đồng bằng sông Hồng là một trong những vùng kinh tế trọng điểm của đất nước, trong đó có 8 tỉnh/thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, có Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, văn hóa của cả nước, trung tâm giao lưu dịch vụ, thương mại, du lịch của các tỉnh phía Bắc và là đầu mối giao thông của cả nước và quốc tế; là một trong hai vựa lúa lớn của đất nước nhưng công nghiệp còn thiếu cân đối và chậm phát triển, đồng thời cũng là vùng đất chật, người đông và chịu áp lực của vấn đề thiếu việc làm một cách nghiêm trọng. Vùng đồng bằng sông Hồng hiện nay đang là điểm nóng và điển hình của vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân ở Việt Nam.
Cuốn sách Việc làm của nông dân trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2020 do TS. Trần Thị Minh Ngọc làm chủ biên, góp phần phân tích, đánh giá những thuận lợi, khó khăn cũng như những thành tựu và hạn chế trong quá trình giải quyết việc làm cho nông dân vùng đồng bằng sông Hồng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từ đó đề ra phương hướng và giải pháp cụ thể thiết thực nhằm tạo việc làm cũng như tăng thu nhập cho nông dân vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2020.
Cuốn sách gồm ba chương. Chương 1 đi sâu phân tích một số vấn đề lý luận và các nhân tố ảnh hưởng đến việc làm của nông dân vùng đồng bằng sông Hồng trong quá trình công nghiệp hóa. Là một vùng có lợi thế về mặt địa lý, kinh tế, chính trị, văn hóa do là vùng tập trung nhiều thành phố lớn, khu công nghiệp, các trung tâm thương mại, trung tâm văn hóa, khoa học, có cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội…, cũng như về tự nhiên (khí hậu, đất đai, nguồn nước…) để phát triển ngành nông nghiệp, trong đó đặc biệt quan trọng là phát triển sản xuất nông sản hàng hóa cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Lợi thế này có thể tạo nên sự đa dạng hóa về việc làm trong ngành nông, lâm, ngư nghiệp, giải quyết việc làm cho lực lượng lao động nông thôn của vùng đang ngày càng phát triển. Bên cạnh đó, khó khăn lớn nhất của vùng đồng bằng sông Hồng là mật độ dân số trong vùng quá cao, quy mô dân số lớn; diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân đầu người thấp và đang giảm dần…
Thực trạng việc làm của nông dân vùng đồng bằng sông Hồng dưới tác động của công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2000-2007 được tác giả đề cập trong Chương 2 của cuốn sách. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã dẫn đến những thay đổi mạnh mẽ về cơ cấu việc làm của người lao động cũng như những biến đổi trong thị trường lao động và thu nhập của người nông dân.
Từ việc nghiên cứu lý luận, phân tích thực trạng việc làm của nông dân vùng đồng bằng sông Hồng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong những năm trước, các tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân vùng đồng bằng trong giai đoạn tới. Nội dung này được trình bày trong Chương 3 của cuốn sách.
Cuốn sách là tài liệu tham khảo hữu ích đối với đông đảo bạn đọc, đặc biệt là các nhà hoạch định chiến lược kinh tế, lãnh đạo các địa phương thuộc vùng đồng bằng sông Hồng.
Cuốn sách gồm 360 trang, giá 58.000đ.