Tác giả: Hữu Thọ
Số trang: 280 trang
Giá: 46.000đ
“Xem ra cái bệnh “thích dự án” cũng chỉ là cái bệnh thích xài tiền công, thích vơ vét cho nên mới gọi là bệnh; do “thích” cho nên phải “chạy” và cũng là “chạy” chỗ cửa quyền, cửa tiền, cũng đều là trọng bệnh. Nói thế thôi, chứ dự án vẫn rất cần và cũng có nhiều dự án có hiệu quả thiết thực đấy chứ”. Đó là một trích đoạn trong câu chuyện Thích, ham thích của nhà báo Hữu Thọ phản ánh một trong những căn bệnh mà xã hội hiện nay vẫn thường gặp. Bằng ngòi bút châm biếm nhẹ nhàng mà sâu cay, cùng cái nhìn thẳng thắn, không che giấu những vấn đề tiêu cực của xã hội, nhà báo Hữu Thọ đã trở thành một trong những cây bút sắc sảo về đề tài chống tiêu cực. Trong nhiều năm qua, ông đã gửi đến độc giả nhiều tác phẩm có giá trị, trong đó riêng thể loại tiểu phẩm báo chí là 8 cuốn. Hầu hết các tiểu phẩm của ông đều mang tinh thần đấu tranh với thói hư, tật xấu nhưng với giọng châm biếm nhẹ nhàng mà sâu sắc.
Bằng lối viết giản dị, chân thật, gần gũi mà đầy ý nhị, các tiểu phẩm trong cuốn Xiếc của nhà báo Hữu Thọ thể hiện tinh thần chiến đấu nhưng luôn luôn giữ được phong cách điềm tĩnh, mềm mỏng và lịch thiệp. Với 100 câu chuyện, 15 bài bình luận và trả lời phỏng vấn được chọn lọc, cuốn sách đã góp phần phản ánh những vấn đề thời sự nóng hổi của đất nước và báo chí. Qua mỗi bài viết, tác giả đã có những phân tích, phê phán một cách ý nhị, sâu sắc các biểu hiện phức tạp của chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, cơ hội trong thời kỳ phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế. Nhìn chung, các tiểu phẩm đã có sức chuyển tải trên nhiều khía cạnh: từ sự phê phán, đánh giá đến sự khích lệ, cổ xúy cho những tiến bộ của xã hội cũng như những trải nghiệm của cuộc đời muôn hình muôn vẻ, song luôn luôn sâu sắc và dí dỏm.
Được viết vào thời kỳ chuẩn bị đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, và dịp Tết Tân Mão - một thời điểm nhiều biểu hiện lệch lạc của xã hội được phát lộ, cuốn Xiếc đã gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh và góp một tiếng nói phê phán những biểu hiện mới của một số người có tài “làm xiếc” đánh bóng tên tuổi, nói dối, làm láo, báo cáo hay, “kinh doanh danh hiệu, giải thưởng” để mưu cầu địa vị, lợi lộc. Rồi “căn bệnh cuối nhiệm kỳ” phân tích tình trạng vơ vét, lợi dụng của những kẻ cơ hội khi sắp nghỉ việc… Những biểu hiện lệch lạc được phản ánh là những vấn đề thời sự “nóng”, đang được cả xã hội quan tâm, trăn trở nghĩ suy, tìm cách tháo gỡ.
Các câu chuyện trong cuốn sách đều là những câu chuyện mà cả xã hội vẫn đang phải đau đáu, nó là những câu chuyện tưởng chừng như ở đâu đâu nhưng thực tế lại là những câu chuyện có thực và không hề xa lạ với chúng ta. Lý lẽ thấu đáo cộng với cách viết đậm tính nhân văn đã tạo cho giọng điệu ông cái cốt cách chan hoà, chia sẻ, không đao to búa lớn, bốp chát mà ý nhị, sâu xa. Nó là những lời thủ thỉ nhưng kiên quyết, có trách nhiệm và dám nhận trách nhiệm với cuộc đời của một nhà báo chân chính. Văn phong các tiểu phẩm gần gũi, trong sáng, dễ hiểu, nhịp văn vừa ngắn gọn, vừa nhẹ nhàng, giọng điệu hóm hỉnh. Vui đấy, cười đấy mà đau đớn, mà xót xa đến tận tâm can.