Chết, Vào Thân Trung Ấm Và Tái Sinh Theo Phật Giáo Tây Tạng đề cập đến một trong những chủ đề vẫn thường được xem là bí ẩn nhất trong Phật giáo Tây Tạng: sự chết và tái sinh.
Đặt nền tảng trên giáo lý về thân trung ấm, tập sách phân tích, giảng giải những điều có lợi và bất lợi cho bất cứ ai khi bước vào giai đoạn quyết định sự tái sinh. Trên căn bản đó, mọi sự tu tập hành trì sẽ trở nên đúng hướng và thiết thực hơn, bởi vì suy cho cùng thì mọi thành quả đã đạt được của chúng ta trong cuộc sống này dù muốn hay không đều sẽ bị bỏ lại sau cái chết.
Vì thế, đức Đạt-lai Lạt-ma XIV đã dạy như sau:
Con người luôn luôn chết đi với một trong các trạng thái tâm thức: thiện, ác hoặc vô ký (tức là không thiện không ác). Trong trường hợp đầu, người sắp chết mang trong tâm thức của mình một đối tượng thiện, ví dụ như Tam Bảo (Phật, Pháp và Tăng) hay là vị thầy Bổn sư của mình và làm phát khởi tín tâm vào Phật pháp. Hoặc có khi người sắp chết phát khởi tâm xả vô lượng, và thoát ra khỏi tất cả tham ái và sân hận đối với mọi chúng sinh hữu tình. Hoặc giả người sắp chết thiền quán nhập vào tánh Không hay phát khởi tâm từ bi. Quán tưởng được như thế là bởi vì người sắp chết nhớ lại công phu hành trì của mình lúc còn sống hoặc là nhờ có người ở bên cạnh nhắc nhở thúc đẩy. Nếu người sắp chết phát khởi được các tâm thiện kể trên vào lúc lâm chung thì người đó tạo được cận tử nghiệp thiện và sẽ đi tái sinh trong các cảnh giới cao tốt hơn. Lúc lâm chung được như thế thì rất tốt.
Nhưng đôi khi, tuy không cố tình chọc giận, nhưng vì tâm thần hoảng hốt kích động nên những người chung quanh đã làm cho người sắp chết nổi cơn giận dữ. Cũng có khi bạn bè quyến thuộc tụ họp bên giường của người sắp chết khóc than đến nỗi người sắp chết phát khởi lên một tâm tham ái rõ rệt. Dầu là tham ái hay giận dữ, nếu người đang lâm chung chết đi trong một trạng thái tâm thức bất thiện vốn thường phát khởi trong quá khứ, thì điều này rất nguy hiểm cho người ấy.
Có người chết đi trong trạng thái tâm vô ký, không phát khởi đối tượng thiện hoặc ác nào trong tâm và cũng không sinh tâm giận dữ hoặc tham ái.
Ba trạng thái này, tức là lâm chung trong trạng thái tâm thiện, bất thiện hay vô ký, sẽ diễn ra cho đến khi người lâm chung đi vào cõi tâm vi tế của tiến trình chết. Theo hệ thống của Kinh điển, tâm vi tế sau cùng này nhất thiết phải là tâm vô ký vì trong hệ Kinh điển không giảng dạy cách sử dụng pháp môn chuyển hóa tâm vi tế thành tâm thiện như trong hệ thống Mật điển, mà chỉ đưa ra các pháp môn đối trị những trạng thái tâm thức thô. Ngược lại, một vị cao tăng Mật tông [hành giả Mật tông] có thể chuyển hóa các tâm vi tế xuất hiện trong giờ phút lâm chung thành tâm thức thiện. Khi tu tập đến mức này, hành giả đã đạt được trình độ rất cao sâu.